Sợ

Sợ, sự sợ hãi, nó tồn tại vô thức trong con người từ khi còn trong bụng mẹ.

Khi vừa mới sinh, em bé sợ tiếng động, sợ những tiếng ồn ào và lớn tiếng.

Lớn hơn 1 chút, em sợ bàn tay của người lạ, sợ những gì có hình dáng xấu xí, sợ những gì cảm thấy xa lạ.Sợ mẹ đi làm rồi không quay trở về.

Lớn hơn chút nữa thì sợ đi bác sĩ, sợ phải uống thuốc, sợ mẹ mắng và sợ cả những điểm xấu ở trường.

Hơn chút nữa thì sợ thua trong các trò chơi của các bạn bè cùng lớp, sợ những lời quở trách của cô giáo, sợ
mẹ đánh đòn, sợ mẹ giam vào phòng và quỳ úp mặt vào tường khi phạm lỗi.

Khi đã lớn đủ để nhận thức, thì con người lại sợ bệnh tật, sợ đau đớn, sợ sự thương hại, sợ sự dè bỉu, sợ sự thất bại trong học hành, trong kinh doanh, sợ nghèo, sợ khổ, sợ mạng tội, sợ dốt, sợ dư luận, sợ chiến tranh…

Cứ như vậy, “sợ” nó cứ tồn tại dồn dập trong mỗi con người. Ai cũng mong thoát được khỏi cái nỗi sợ sệt đe dọa đời sống chính mỗi bản thân, nhưng mấy ai thoát được. Khi nỗi sợ hãi này đi qua, thì nỗi sợ hãi khác đến, và nhiều cơn sợ khác ám ảnh.

Chúng ta giữ gìn sức khỏe là vì sợ bệnh, vì sợ khó nhọc và nghèo khổ nên phải làm việc cật lực, vì sợ dốt nên phải học hành chăm chỉ, vì sợ mang tội nên phải làm theo pháp luật, vì sợ thất bại nên phải luôn nghĩ ra các mưu kế để chiến thắng, vì sợ dư luận nên phải sống theo một cái mặt nạ, sống đúng với khuôn mẫu và đạo đức.

Trong đời tôi đã từng có nhiều cái sợ.

Cái sợ đầu đời của tôi đó là: sợ mẹ đi rồi không về. Mỗi lần trước khi đi làm, mẹ đều dăn dò những việc con phải làm ở nhà, sau đó mẹ đi làm. Chiều chiều, canh đồng hồ, để chạy ra ngồi ngay gốc cây vú sữa để ngồi đợi mẹ. Có những hôm, trời bắt đầu xế bóng, cái chân tê rần, thấy mẹ chưa về, tự nhiên tôi sợ, tôi sợ mẹ tôi đã bỏ rơi tôi để đi, tự nhiên khóc thút thít cho đến khi thấy được bóng dáng mẹ mờ mờ từ ánh đèn hắt ra từ nhà bên cạnh vào cái cổng tối thui hun hút đi vào nhà.

Năm cấp 1, tôi đã không còn sợ mẹ bỏ rơi tôi nữa, vì tôi biết rằng, mẹ tôi thương tôi đến chừng nào. Nhưng, nỗi sợ khác lại đến: tôi sợ cái roi mây của mẹ. Mỗi khi tôi làm sai điều gì, điều mà tôi sợ nhất lại là găp mẹ. Mẹ dạy tôi nhiều thứ, có những cái mẹ dạy bằng những lời thủ thỉ ban đêm, có những cái mẹ dạy bằng những trận roi vãi máu. Mẹ tôi là vậy, mẹ thương thì rất thương con nhưng quan điểm thương cho roi cho vọt. Nhờ vậy, anh em trong nhà, ai cũng thành người.

Năm cấp 3, tôi không còn sợ cây roi mây của mẹ nữa, nhưng nỗi sợ khác lại đến với tôi, tôi sợ học dốt. Mùa đông ở Huế thật lạnh lẽo. Trời thì mưa dầm, cái lạnh cắt da cắt thịt khiến cho tất cả các gia đình đều tắt đèn và ngủ sớm trước 8h tối. Riêng tôi, giờ đó tôi chưa ngủ. Tôi phải học bài. Tôi vẫn thường nghe tiếng rao bán bánh mì lạc lõng giữa đêm khuya thanh vắng, trên những chiếc xe đạp lóc cóc, mà mỗi ổ bánh mì bán chưa tới giá 500đ. Có một lần, vì sự thương hại cho người bán bánh mì bán giữa đêm lạnh và rét như vậy, tôi kêu vào để mua vài ổ bánh mì. Người thanh niên bán bánh mì đi xe đạp, chở cái thùng, chiếc áo mưa phủ bên ngoài, tay vẫn còn run run vì lạnh khi lấy ổ bánh mì ra…

Mỗi đêm, trời lạnh, nằm ngủ rúc chân vào người mẹ để có hơi ấm từ cơ thể mẹ, tôi đều được mẹ nhắc nhở. “Nếu mày muốn bán bánh mì hoặc bán trứng lộn như mấy người kia, thì cứ lo ăn chơi vô, khỏi cần học. Còn không muốn cái số đi bán vé số, bánh mì, vịt lộn thì gắng mà học cho giỏi đi con ạ”.  Và cái cảm giác sợ dốt cứ len lỏi trong tôi cho đến khi tôi đọc được tên mình trong danh sách trúng tuyển Đại học.

Đến bây giờ, tôi đã đi làm, tôi đã bắt đầu lớn. Và tưởng như chẳng còn nỗi sợ nào đáng kể, tôi lại bắt đầu thấy sợ, nỗi sợ hãi vô cùng mà tôi đã từng trước đây: tôi sợ mẹ tôi đi rồi không về. Nhưng, khác với lần trước, tôi vẫn còn hi vọng, và vì vậy, tôi ngồi đợi dù cho đợi bao lâu chăng nữa. Còn bây giờ, tôi phải đếm ngược lại cái này mà mẹ tôi phải xa tôi mãi mãi. Ở đâu đó, tràn về ký ức mà tôi đã từng có với mẹ tôi. Tôi ước gì mình có thể khóc thành lời được, tôi mong vậy lắm, mà không được. Tôi ước gì tôi có thể nói được những lời yêu thương nhất với mẹ, nhưng không đựơc.

Tôi sợ lắm cái ngày tôi về thăm nhà mà không còn được ăn những món ăn do chính tay mẹ tôi nấu. Tôi sợ cái ngày mà tôi không còn được rúc chân vào đùi mẹ mỗi khi trời lạnh.

Nỗi sợ len lỏi vào chính trong từng giấc mơ của tôi. Tôi muốn ngủ thật sớm, để quên đi, nhưng như những cơn ác mộng khiến tôi tỉnh giấc vào nửa đêm. Tôi ước gì đó chỉ là một cơn ác mộng mà tôi phải chịu đựng.

Nỗi sợ khiến ai đó không thể diễn tả bằng chính những cảm xúc bên ngoài được, nó dày vò, làm chính chủ nhân của nó đau đớn, một sự thiếu hụt gì đó, một sự hụt hẫng…chẳng biết dùng từ gì để diễn tả hết…

8 thoughts on “Sợ

Để lại phản hồi