Categories: Chưa phân loại

Việt – Trung: ngàn năm văn hóa, anh em một nhà?????????

Mấy bữa nay báo chí rùm beng lên cái vụ Trung Quốc quyết định thành lập thành phố cấp huyện Tam San thuộc tỉnh Hải Nam quản lý 3 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và 1 quần đảo khác.

Sự việc thực sự vốn không có gì mới trước giờ, và không nóng lên nếu có cái quyết định này từ chính phủ Trung Quốc. Biển Đông (Tiếng Anh là South China East) hiện nay đang là vùng tranh chấp của 4 nước Việt Nam, Trung Quốc (thuộc Tp Tam Sa – tỉnh Hải Nam), Malaysia và Philippines, tuy nhiên, dường như tranh chấp chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam.

Trường Sa và Hoàng Sa có 1 vị trí chiến lược quân sự cực kỳ đặc biệt và đây là vùng biển có rất nhiều dầu mỏ chưa được khai thác. Miếng thịt quá béo khiến ai cũng dành cả. Nếu chiếm được Trường Sa và Hoàng Sa, có lẽ, Việt Nam ko sớm thì muộn cũng bị dân Trung Quốc thôn tính.

Ngược lại dòng lịch sử, không phải vô cớ mà cả Trung Quốc và Philippines đều tranh chấp vùng này với Việt Nam.

Có thể con người đã biết đến quần đảo Trường Sa từ khoảng những năm 3 TCN. Điều này dựa trên một số sự phát hiện rằng những người đánh cá, đa số là cư dân từ Vương quốc Chăm Pa cổ của Việt Nam hoặc cư dân cổ xuất phát từ đảo Hải Nam và các vùng đất nay là các quận ở tỉnh Quảng Đông đã đến quần đảo Trường Sa, và các đảo khác ở vùng Biển Đông để đánh cá hàng năm. Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thỉnh thoảng có một số thuỷ thủ từ một số nước lớn châu Âu (gồm hoặc Richard Spratly hoặc William Spratly đến quần đảo Trường Sa, từ đó quần đảo có cái tên tiếng Anh là Spratly và tên này được thừa nhận chung, nhưng các nước châu Âu hồi đó còn ít chú ý đến quần đảo này. Đa số các tên tiếng Anh của các đảo, đảo nhỏ và đảo chìm được những ngư dân Việt Nam hay Trung Quốc đặt. Các tàu Đức nghiên cứu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1883 nhưng cuối cùng đã rút lui sau khi có những phản ứng từ phía nhà Nguyễn.

Các bản đồ địa lý Việt Nam cổ ghi nhận Bãi Cát Vàng (được dùng để chỉ chung cả Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ Việt nam từ đầu thế kỷ 17. Trong cuốn “Phủ biên tạp lục” (Frontier Chronicles) của học giả Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi. Ông miêu tả đó là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và những đồ vật sót lại từ các vụ đắm tàu. Tài liệu ghi chép Việt Nam vào thế kỷ 17 nhắc đến các hoạt động kinh tế được tài trợ của chính phủ dưới triều nhà Lê từ 200 năm trước đó. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu địa lý về các đảo từ thế kỷ 18.

Các bản đồ về địa lý cổ của Trung Quốc có vẽ quần đảo Trường Sa nhưng không tỏ rõ các đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Thập niên 1930, Pháp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Chính phủ Bảo hộ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thay cho Việt Nam, lúc đó đang nước thuộc địa của Pháp. Họ chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, gồm cả đảo Ba Bình, và xây các trạm thời tiết trên hai đảo, và sau đó quản lý chúng như một phần lãnh thổ của Đông Dương thuộc Pháp. Sự chiếm đóng này bị chính phủ quốc gia Trung Quốc phản đối bởi vì theo họ thì khi các tàu chiến của Pháp tới chín đảo thì trên biển có một số ngư dân gốc Trung Quốc đánh cá, theo họ thì các ngư dân này đã xé cờ Pháp sau khi tàu của Pháp rời khỏi đảo. Sau đó, Nhật Bản chiếm một số đảo trong Thế chiến thứ hai, và sử dụng các đảo này làm căn cứ tàu ngầm cho các chiến dịch ở Đông Nam Á. Dưới thời đó, những đảo này được gọi là Shinnan Shoto (新南諸島), nghĩa đen là “Đảo Mới phía Nam”,cùng với quần đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự cai trị của Chính quyền Nhật tại Đài Loan. Sau khi Nhật Bản bị đánh bại, Quốc Dân Đảng tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa (gồm cả đảo Ba Bình) và chấp nhận sự đầu hàng của người Nhật. Nhật Bản rút bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo vào năm 1951 trong Hiệp ước Hoà bình San Francisco. Trong hiệp ước với Cộng hoà Trung Hoa, Nhật một lần nữa rút bỏ chủ quyền khỏi các đảo cùng với Hoàng Sa, Đông Sa (Pratas) và các đảo khác đã chiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, Quốc Dân Đảng đã rút khỏi Trường Sa và Hoàng Sa khi họ bị các lực lượng Đảng cộng sản Trung Quốc đối lập đánh bại năm 1949.

Khi người Pháp rời Việt Nam, các đơn vị hải quân chính phủ Nam Việt Nam chính thức thay thế Pháp thực hiện chủ quyền chiếm đóng Trường Sa theo pháp luật.

Tranh chấp chủ quyền

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy quần đảo Trường Sa không chỉ đơn giản là một mối nguy cho tàu chở hàng đi qua đó khi vào năm 1968 người ta tìm thấy dầu mỏ trong vùng. Theo ước tính của Bộ Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vùng quần đảo Trường Sa có chứa trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên rất lớn lên đến 17,7 tỷ tấn (1,60 × 1010 kg), so với 13 tỷ tấn (1,17 × 1010 kg) của Kuwait, và họ xếp nó vào danh sách một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới. Đương nhiên, tiềm năng trữ lượng dầu khí to lớn này góp phần làm tình hình thêm căng thẳng và thúc đẩy các nước trong vùng tuyên bố có chủ quyền. Ngày 11 tháng 3 năm 1976, cuộc thám hiểm dầu khí lớn đầu tiên của Philippines được tiến hành ngoài khơi Palawan, trong khu vực quần đảo Trường Sa, và các khu khai thác ở đó hiện chiếm năm mươi phần trăm toàn bộ số dầu tiêu thụ tại Philippines.

Các nước tuyên bố chủ quyền không cấp giấy phép khai thác ngoài khơi trong vùng đảo vì sợ gây ra một sự xung đột lập tức. Các công ty nước ngoài cũng không đưa ra bất kỳ một cam kết nào về việc khai thác vùng này cho đến khi tranh cãi về lãnh thổ được giải quyết hay các nước tham gia đạt được thoả thuận chung.

Một động cơ khác để tranh chấp là trữ lượng khai thác cá thương mai của vùng biển quần đảo Trường Sa. Vào năm 1988, Biển Đông chiếm 8% tổng số lượng đánh bắt cá và hải sản của thế giới, một con số chắc chắn còn có thể tăng lên. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã dự đoán rằng Biển Đông chứa lượng cá và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên có giá trị lên đến một nghìn tỷ đôla. Đã có nhiều cuộc xung đột xảy ra giữa Philippines và các nước khác
– đặc biệt là Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa – về những tàu đánh cá nước ngoài trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ và báo chí cũng thường đưa tin về những vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc.

Vùng này cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải đông đúc nhất trên thế giới. Trong thập niên 1980, ít nhất có lượt 270 tàu đi qua quần đảo Trường Sa mỗi ngày, và hiện tại hơn một nửa số tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Lượng tàu chở dầu chạy qua Biển Đông lớn gấp ba lần lượng tàu chạy qua Kênh Suez và năm lần lớn hơn lượng tàu qua Kênh đào Panama;gần 20% lượng dầu thô thế giới được chuyên chở ngang qua Biển Đông.

Có nhiều ám chỉ rằng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã sáp nhập và chiếm các đảo không phải chỉ vì mục tiêu khai thác tài nguyên mà còn để giám sát các hoạt động trên biển Đông. Ví dụ, đảo ngầm Mischief sẽ là một điểm lý tưởng để quan sát các tàu Hải quân Mỹ chạy qua biển tây Philippines. Việc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chiếm đảo này cũng có thể có mục đích đối chọi với Trung Hoa Dân Quốc hơn là Philippines bởi vì Trường Sa nằm ngang vùng biển thiết yếu của Cộng hoà Trung Hoa. Đó cũng có thể chỉ đơn giản là một nỗ lực của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa nhằm thông báo sự củng cố quyền bá chủ trong vùng của họ.

Đã có một số đụng độ giữa các tàu ở quần đảo Trường Sa. Năm 1974, sau khi Việt Nam Cộng Hòa đã cho phép các công ty dầu khí phương Tây thăm dò quần đảo Trường Sa, Cộng hoà Nhân dân Trung hoa phản ứng bằng cách chiếm quyền kiểm soát chúng sau một trận hải chiến ngắn ngủi; năm 1988, Trung Quốc cũng chiếm sáu đảo nhỏ trong một vùng từng là lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực cũng bằng cách như vây. Một xô xát diễn ra liên quan tới một tàu dân sự vào ngày 10 tháng 4 năm 1983, khi một du thuyền của Đức bị bắn chìm. Không ai bị coi là chịu trách nhiệm về vụ này.

Để trả lời cho những lo ngại ngày càng tăng bởi các nước có bờ biển ở vùng biển quần đảo Trường Sa về sự xâm phạm của các tàu nước ngoài đối với tài nguyên thiên nhiên của họ, Liên hiệp quốc đã triệu tập Hội nghị Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 để xác định các vấn đề về các biên giới biển quốc tế. Về những lo lắng trên, chúng được giải quyết rằng một nước có đường bờ biển có thể tuyên bố 200 dặm hàng hải quyền tài phán từ biên giới đất liền của mình. Tuy nhiên UNCLOS không thể giải quyết vấn đề làm thế nào để giải quyết các tranh chấp chồng lấn và vì thế tương lai của quần đảo vẫn còn mờ mịt.

Năm 1984, Brunei lập ra một vùng đặc quyền đánh cá bao gồm cả đảo ngầm Louisa ở phía nam quần đảo Trường Sa, nhưng không công khai tuyên bố chủ quyền hòn đảo. Sau đó, vào năm 1988, Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa một lần nữa lại đụng độ ở biển về quyền sở hữu đảo ngầm Johnson thuộc Trường Sa. Tàu chiến Trung Quốc đánh đắm các tàu chở đội quân đổ bộ Việt Nam. Hai nước bình thường hoá quan hệ vào năm 1991 và Chủ tịch Giang Trạch Dân sau đó đã hai lần viếng thăm Việt Nam, nhưng hai nước vẫn đối đầu về tương lai của Trường Sa.

Năm 1992, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam trao các hợp đồng thăm dò dầu khí cho các công ty Mỹ trên vùng chồng lấn ở Trường Sa; và vào tháng 5 năm 1992, Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Crestone Energy (một công ty Mỹ có trụ sở ở Denver, Colorado) đã ký một hợp đồng hợp tác để cùng thăm dò Wan’an Bei-21 block, một vùng rộng 25.155 km² ở phía tây nam Biển Đông gồm cả các vùng quần đảo Trường Sa. CNOOC cung cấp các dữ liệu về địa chất và các thông tin khác về đáy biển vùng đó trong khi Crestone đồng ý chịu mọi chi phí và tiếp tục tiến hành thăm dò địa chất và khoan trong vùng. Hợp đồng được kéo dài tới năm 1999 sau khi Crestone thất bại trong việc hoàn thành thăm dò. Một phần trong hợp đồng của Crestone bao gồm cả hai block 133 và 134 của Việt Nam nơi Petro Vietnam và ConocoPhillips Vietnam Exploration & Production, một đơn vị của ConocoPhillips, đã đồng ý đánh giá khả năng vào tháng 4 năm 1992. Điều này dẫn tới một sự chạm trán giữa Trung Quốc và Việt Nam, với việc mỗi nước đều yêu cầu rằng bên kia huỷ bỏ hợp đồng của mình. Xung đột cấp độ cao hơn nữa diễn ra đầu năm 1995 khi Philippines tìm thấy một kết cấu quân sự đầu tiên ở đảo ngầm Mischief, 130 dặm biển ngoài khơi Palawan. Việc này thúc đẩy chính phủ Philippines đưa ra một kháng cáo chính thức đối với sự chiếm đóng hòn đảo của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Hải quân Philippines bắt giữ sáu mươi hai ngư dân Trung Quốc ở bãi cát ngầm Half Moon, cách Palawan 80 kilômét. Một tuần sau, sau sự xác nhận của Fidel V. Ramos về việc ra lệnh tăng cường cho các lực lượng quân sự trong vùng, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tuyên bố rằng kết cấu đó là các chòi tạm dành cho ngư dân.

Tiếp theo sự tranh cãi đó, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và các nước thành viên ASEAN, với sự môi giới của ASEAN, đã đạt được một thoả thuận rằng một nước sẽ thông báo tới các nước còn lại về hành động quân sự của mình bên trong vùng lãnh thổ tranh chấp và sẽ không tiến hành xây dựng thêm các công trình. Thoả thuận nhanh chóng bị Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Malaysia xâm phạm. Tuyên bố rằng vì bị hư hại do bão, bảy tàu Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiến vào vùng đó để sửa “các chòi ngư dân” ở đảo ngầm Panganiban. Malaysia xây dựng một kết cấu trên Investigator Shoal và đổ bộ tại đảo ngầm Rizal, cả hai chỗ này đều nằm bên trong vùng EEZ của Philippines. Để trả đũa Philippines trao phản đối chính thức, yêu cầu dỡ bỏ các kết cấu đó, tăng cường tuần tra hải quân ở Kalayaan và mời các nhà chính trị Mỹ tới giám sát các căn cứ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa bằng máy bay.

Tới năm 1998, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp tục sự sáp nhập các đảo của mình, đặt các cột mốc lãnh thổ hay phao trên bãi cát Thomas thứ nhất và thứ hai, bãi cát Pennsylvania, bãi cát Half Moon và đảo san hô vòng Sabina cùng đảo Jackson, vùng quần đảo Trường Sa được đưa vào danh sách một trong tám điểm nóng xung đột trên thế giới. Cuối năm 1998, các căn cứ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã bao quanh các tiền đồn của Philippines. Một sỹ quan Hải quân hoàng gia Anh phân tích các bức ảnh chụp các kết cấu của Trung Quốc và tuyên bố rằng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa “có lẽ đang chuẩn bị chiến tranh”. Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi tới mức sắp xảy tới xung đột.

Đầu thế kỷ 21, như một phần trong chính
sách ngoại giao lúc đầu được gọi là “khái niệm an ninh mới” và “sự lớn mạnh của Trung Quốc hoà bình”, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa giảm bớt chạm trán ở quần đảo Trường Sa. Gần đây Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiến hành thương lượng với các nước ASEAN nhằm mục đích thực hiện đề xuất tự do thương mại giữa 10 nước tham gia. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và ASEAN cũng đã thoả thuận đàm phán để đưa ra một bộ luật ứng xử nhằm giảm căng thẳng tại các đảo tranh chấp. Ngày 5 tháng 3 năm 2002, một thoả thuận đã ra đời, công bố mong ước của các nước liên quan giải quyết vấn đề chủ quyền “mà không sử dụng thêm nữa vũ lực”. Tháng 11 năm 2002, một tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông được ký kết, làm giảm căng thẳng nhưng không phải là một bộ luật ứng xử mang tính bắt buộc.

Vào năm 2007 Việt Nam và hãng BP của Anh đang chuẩn bị thực hiện dự án trị giá hai tỷ đôla lắp đặt đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên từ hai mỏ khí ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam đồng thời tổ chức bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XII sẽ được tiến hành ngày 20/5 tại quần đảo Trường Sa thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lão Tần Cương nói trong buổi họp báo thường kỳ “Việt Nam áp dụng hàng loạt hành động mới trên quần đảo Nam Sa đã đi ngược với nhận thức chung quan trọng về các vấn đề trên biển” mà hai bên đã đạt được. Lão Tần Cương gọi đây là hành động “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc và Trung Quốc bày tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam” trong lúc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm chính thức nước này. Trong khi phía Trung Quốc lại cho các công ty dầu khí, mà điển hình là PetroChina, thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực tranh chấp.

Sau đó vào tháng 6 năm 2007 phát ngôn nhân của BP Plc, ông David Nicholas, nói rằng hãng này thấy rằng “nên ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề”. Khu thăm dò địa chấn, lô 5.2, mà BP dự định tiến hành nằm ở giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km. Tuy nhiên người phát ngôn của BP lại nói với Reuters rằng công việc tại các lô 5.2 và 5.3 là kế hoạch lâu dài chứ không phải trước mắt.

Trung Quốc ngày càng gây hấn bằng vũ lực trên quần đảo Trường Sa. Vào tháng 4 năm 2007 đã bắt 41 ngư dân Việt Nam và chỉ trả tự do cho họ sau khi những người này nộp phạt. Đến ngày 9 tháng 7 tàu Hải quân Trung Quốc đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km làm chìm một thuyền đánh cá của Việt Nam, ít nhất một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương. Nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn gữa hai nước là trữ lượng trên 600 triệu thùng của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong vùng biển chủ quyền trong khi giá dầu thô có thể tăng lên đến 100 USD vào cuối năm 2007. Phía Việt Nam cũng đã cho hai tàu chiến cơ động BPS-500 do Nga thiết kế lập tức đến hiện trường nhưng phải đứng từ xa vì hỏa lực quá mạnh từ tàu Trung Quốc. Mặc dù báo chí Việt Nam tránh đưa tin sự kiện trên nhưng sau đó Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Vũ Dũng đã đến Bắc Kinh từ 21/7 tới 23/7 để bàn về các vấn đề biên giới, đặc biệt là trên biển.

Trở lại với việc tranh chấp gần đây
Tranh chấp này gần đây được báo chí đưa tin liên tục, Bộ Ngoại Giao cũng lên tiếng. Cộng đồng dân cư mạng cũng…bày tỏ phản đối bằng cách…nhắn tin qua Yahoo Messenger hay Viết các entry trên blog (giống tui nà).

Và tự nhiên tui thấy tất cả từ chính phủ, mà đại diện là ông Lê Dũng, người Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao, Chính phủ Việt Nam đến dân Việt Nam chỉ toàn là hô hào lớn tiếng. Cứ xem Trung Quốc đó, chẳng nói chẳng rằng, cứ làm thôi.

Anh tuyên bố gì mặc xác anh, tui làm, tui chiếm mấy cái quần đảo này trước đã.

Giả sử có 1 cục tiền đang nằm đó, có mấy người đang nói của tui, của tui, ko có người phân xử, ko lẽ cứ đứng đó mà tuyên bố là của tui. Ai cũng vậy thôi, chộp trước, giựt trước, nằm trong tay tui trước, còn chuyện của tui thiệt hay ko tính sau.

Mấy “ông lớn” nhà mình chỉ biết lên bàn nhậu, uống vào cho phệ bụng, rồi nói chuyện Mỹ đánh Iraq, Isarel tấn công Palestine… mà quên mất nguy cơ mất nước đang ở rất gần.

Ngay cả những người mấy bữa nay send message qua Yahoo Messenger to mồm cũng vậy, Gởi message này để phản đối việc Trung Quốc … Thử hỏi mấy cái message đó thì làm được cái quái gì, ai đọc.

Kiểu của người Việt mình y chang nhau, cũng giống Tai nạn giao thông, bu lại xem, kể ra tường tận vụ việc thế nào, bị tông thế nào, tai nạn thế nào, bị thương thế nào, nhưng mà chẳng có ai chở đi cấp cứu, chỉ biết đứng đó la lên “Có ai kêu xe cấp cứu cho người ta với” hay “Có ai chở người ta đi cấp cứu với” như là tốt lắm, khi được mời làm nhân chứng thì ai cũng từ chối. Chỉ được cái trống rỗng kêu to, show off cho bà con thấy mình cũng yêu nước, mình cũng có trách nhiệm lắm.

La lớn vậy, Trung Quốc nó có trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho mình ko? Hãy làm việc gì có ích hơn. Còn nếu như chưa làm được, đừng có phá hoại người khác dùng danh nghĩa yêu nước, có trách nhiệm, cứ mỗi message được gởi đi kiểu đó, là hàng triệu, hàng tỷ dữ liệu được phí phạm một cách vô lý mà ko có tác dụng cho mạng lưới Internet quốc gia. Không những chẳng giúp được gì mà còn góp phần cho nghẽn mạng Internet nữa. Kẹt xe chưa đủ sao?

Minh Nguyen

View Comments

  • Bạn nè..bạn có biết các bước của một cuộc đình công chưa. Nếu bạn không tuân thủ từng bước trong quá trình ấy thì kết quả đình công chỉ là không đối với những người đấu tranh thiếu hiểu biết về pháp luật, vội vàng hấp tấp...
    Việc CHÍNH PHỦ mình lên tiếng trước công luận là kêu gọi sự ủng hộ của báo trí...chứ đâu phải là chỉ kêu to để đấy...Việc chính phủ Trung Quốc ngang nhiên vội vàng thành lập các quận, khẳng định đó là đất của họ...Chắc gì đã là khôn ngoan bạn nhỉ...

  • Cho tui có ý kiến chút nhe. Tui trước giờ yêu nước thì có chút chút :p, "chính chị chính em" thì không quan tâm mấy. Nhưng cũng đủ để biết được 3 điều:

    1. Dân VN đã chia rẽ nghiêm trọng ít nhất từ cuộc nội chiến tương tàn. Không biết có phải mất đoàn kết từ đó không chỉ biết mấy ông to sau này hay kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc. Đã nghe rất nhiều câu chuyện về người Việt mạnh ai nấy sống và "chơi" nhau để giành quyền lợi. Và cũng biết nhiều câu chuyện về người Hoa, người Hàn, dĩ nhiên với một tương quan ngược hẳn.

    2. Chính phủ hay dân mình thì cũng thấy là TQ mạnh quá, những năm về sau này đã phát triển thần kỳ. Đúng là hồi xưa nó mạnh hơn mà mình từng đánh bại nó nhưng bây giờ thời thế cũng khác, chiến tranh khó xảy ra hơn. Còn muốn "đối thoại" thì tui nghĩ đòi hỏi nhiều về uy thế trên trường quốc tế, chiến lược này kia rốt ráo, tranh thủ sự ủng hộ (miệng) trong ngoài... Mấy vụ này rõ ràng VN chưa tốt. Bây giờ mà có bắt đầu thì sợ là đã muộn.

    3. Cường quốc nào thì cũng đầy uy lực. Vì vậy không có nhiều nước dám làm mất lòng Mỹ, Nga hay Trung Quốc. Không phải mình sợ nó hay gì mà trong khi đang ở thế yếu, ai khôn một chút cũng vậy thôi (quỳ lạy nó thì chắc chắn không rồi!). Mất đất thì nhục! Tui cũng không biết giá trị kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa... ở 2 quần đảo đó tới đâu nhưng mình cương với nó quá, về lâu về dài thế nào? Mấy ông lớn dù có chậm thật nhưng chắc cũng đã nghĩ vụ này. Cũng khó chứ.

    Nên theo tui nghĩ thì VN mình khó mà giành lại 2 quần đảo này (không chóng thì chầy cũng...). Bên nào cũng đưa ra lý lẽ của mình nhưng TQ lại mạnh hơn rất nhiều về mọi mặt. Lịch sử 2 quần đảo thì không thể viết lại được, có lẽ mặt tích cực của vụ này là người Việt sẽ đoàn kết hơn một cách cụ thể hơn chăng? Để cùng nỗ lực đưa VN "thăng hạng" hay đối phó với những hành động xâm lăng của mấy ông láng giềng chứ :p.

    (Comment y chang bên blog vietbos, hehe, vì mấy ông này mà mình quan tâm vụ này hơn :D)

  • 1. Chuyện này mà đề cập nghẽn mạng này nọ vào là không ổn, vì mỗi ngày bà con vẫn dùng Internet để nghe nhạc nhảm, xem phim sex, đọc báo lá cải và spam hàng núi những thứ hằm bà lằng khác. 1 message về sự kiện "Trung Quốc cướp hai hòn của VN" chỉ là một hạt cát trong cái núi đang bị sạt lỡ, nếu có. Hơn nữa, nó vẫn đáng để broadcast hơn những message nhảm khác rất nhiều.

    2. Chuyện tai nạn giao thông đông người xem, không người giúp đôi khi cũng có, nhưng phải công bằng mà nói điều này là không phổ biến. Tao cũng chứng kiến nhiều vụ giao thông mà ở đó nạn nhân được giúp đỡ tận tình. Những chuyện dạng "vô cảm" như một số bài báo bi kịch hóa vấn đề đôi khi cũng có, nhưng nó không phản ánh được bản chất của người Việt Nam. Nói dân VN thùng rỗng kêu to là phiến diện.

    3. Suy diễn những người gửi message liên quan tới sự kiện đó chỉ là muốn khoe khoang sự yêu nước của mình cho thiên hạ biết là vô lý. Mọi người gửi chỉ vì thấy bức xúc nhưng nhất thời bế tắc không biết mình có thể hành động gì để thay đổi cục diện theo hướng tích cực. Sự lan truyền message cũng giống như người ta rải truyền đơn hồi xưa vậy. Chỉ mong tìm sự đồng thuận từ dư luận và khi thời cơ đến sẽ thể hiện được sự đồng lòng.

    4. Sự bế tắc của chính quyền VN trước mắt có thể thấy. Có thể cho là sự yếu kém của họ. Khi có sự lãnh đạo tốt thì cộng với sự đồng lòng của người Việt thì có gì cũng có thể xảy ra.

    Trước ngoại xâm, người Việt phải đồng lòng.

    :)

  • Entry hay đó, nhưng mà anh Minh cũng hơi bức xúc hihi :D
    - Nếu chính phủ ko có biện pháp gì cụ thể mà chỉ nói miệng thôi con kiến made in Việt Nam không thể nào đấu lại với con voi MADE IN China được.
    - Đành rành nước nào cũng có tham nhũng và lạm phát nhưng mà Việt Nam là số 1 trên thế giới về mặt này.
    - Khả năng lãnh đạo của các sếp còn kém, chắc chờ chục năm nữa chính phủ được trẻ hóa với những người tài giỏi có tâm lãnh đạo thì hi vọng Việt Nam sẽ lên được
    - Người Việt một số bộ phận còn thích a dua (bắt chước gởi message mà nhiều khi còn không biết chuyện gì đang xảy ra, gởi để làm gì và thông tin ko biết có chính xác ko), tò mò (thấy đông đúc là bu lại ko biết chuyện j xảy ra)... Có thể do nhận thức của họ chưa được tốt nhưng đó chắc do nước mình còn nghèo, không giống các nước văn minh.

  • Đúng là có nhiều đứa nó spam theo phong trào thôi. Xét cho cùng thì gây bực mình cho người nhận chứ cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến traffic mạng đâu Minh ạ. Nhưng ... tóm lại là ĐCM mấy thằng Trung Quốc khốn kiếp nghĩ ra cái ý tưởng và mấy thằng phê chuẩn ý tưởng đó. Cầu cho chúng nó chết hết đi.

  • Nếu thực sự va chạm nó đánh mình mình đá lại thì còn phải xem ai mạnh yếu thế nào, hành động tự phát không tính toán là tự sát. Không phải chỉ những người ra chiến trường mà là bản án tới toàn thể nhân dân. Nhưng bạn nói cũng có cái đúng, vì vụ tai nạn giao thông đấy. Nhưng vẫn có xe cứu thương và người đưa họ đi bệnh viện. Nếu bạn gặp một vụ tai nạn hãy là người gọi xe cứu thương và đưa họ đi bệnh viện nhé.

Share
Published by
Minh Nguyen

Recent Posts

Báo cáo Xu Hướng và hành vi tiêu dùng nghành FnB 2020 – 2030

Thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng (NTD) Sự thay đổi lớn nhất…

% ngày trước

Bài Học Chính Trị Đầu Tiên – An Introduction to Political Philosophy

Cuốn sách cơ bản, dễ hiểu, luận chứng thuyết phục nhập môn về Triết học…

% ngày trước

Hiệu Quả Truyền Thông 38 Nền Tảng Công Nghệ Số Việt Nam trong 2020

Trong năm 2020 đã có 38 nền tảng công nghệ số được đánh dấu là…

% ngày trước

Báo cáo Tổng Quan Thị Trường Kỹ Thuật Số 2021

Đến hẹn lại lên, #WeAreSocial lại công bố báo cáo mới nhất về tổng quan…

% ngày trước

Báo cáo phân tích nền Kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain

Ngày 3/10/2019, Google công bố bảng nghiên cứu thị trường cho nền Kinh tế Số…

% ngày trước

Định giá start-up công nghệ và fintech

Làn sóng start-up công nghệ toàn cầu đang nổi lên với những giá trị doanh…

% ngày trước