Vậy là một mùa trung thu nữa lại đi qua. Năm nay, mình thấy mình trưởng thành hơn một chút. Và cảm thấy cần có trách nhiệm với xã hội hơn.
Trong những năm trước, cứ mỗi mùa trung thu đến, là nhà nhà được tặng bánh. Cuối cùng để rồi chẳng dùng hết, để vất vưởng trong tủ lạnh cả đống rồi phải đem đi cho bớt, mà lúc đó cũng chẳng ai ăn nữa. Thật là lãng phí. Trong khi rất nhiều rất nhiều người thậm chí cả đời chưa biết mùi vị bánh trung thu là thế nào. Vì vậy, một ý tưởng nảy sinh để quyên góp những hộp bánh trung thu và chia sẻ cho những người nghèo khó hơn.
Cũng may, việc đứng ra tổ chức cũng không khó lắm, treo Yahoo status, viết bài, Facebook, Twitter và số lượng người ủng hộ cũng …đáng nể. Một số lượng bánh được tập hợp cũng đáng kể, 300 bánh, đồng nghĩa với việc gần 300 người sẽ được hưởng một chút hương vị của trung thu.
Cảm xúc dâng trào đêm trung thu. Xong việc về nhà, nhận được vài tin nhắn cảm ơn đã cho họ một đêm trung thu đầy ý nghĩa. Một đêm không hình ảnh, không những ánh đèn lóe sáng và không có những cử chỉ xã giao!
Một giấc ngủ ngon.
Trung thu năm nay quả thật là rất đặc biệt với mình, tuy không gia đình, không người thân, không tụ tập bạn bè nhưng vẫn ấm áp đến lạ. Ra phố, dòng người tấp nập, tất cả như đang dồn về trung tâm, náo nhiệt lễ hội, tưng bừng đèn hoa. Nhưng chúng tôi đi ngược lại, ngược với ánh đèn, ngược với dòng người xúng xính, chúng tôi đi tìm những góc tối, những góc đang cần ánh trăng đêm vàng sửi ấm. Ban đầu tôi cũng hơi ngại, không biết đến thế nào để họ không phải bở ngỡ và ngại ngùng… nhưng đó chỉ là suy nghĩ, mọi chuyện diễn ra đơn giản, ấm áp và gần gũi hơn nhiều.
Bắt đầu, tôi nhìn một anh trong nhóm trao bánh trung thu cho một ông lão bán vé số, thái độ rất chân thành của anh đã làm tôi tự tin và thấy gần gũi hơn rất nhiều, và thế là tôi cũng bắt đầu … Vòng hết một lượt bờ kè, từng ấm áp được trao, từng yêu thương được nhận, cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn nhìu lắm. Bên ngoài những ánh đèn nhộn nhịp nơi phố thị, vẫn còn đó biết bao số phận long đong ngày đêm rong ruổi, đôi khi ta không nhận thấy hay đã quên mất họ, những số phận cặm cuội nơi bóng đêm, lầm than nơi góc khuất. Tuy có khó nhọc, có vất vả, có đớn đau nhưng trong đôi mắt họ vẫn sáng, sáng niềm tin hi vọng, tình yêu gia đình con cái.
Khi tôi trao bánh cho một chị quét rác lao công, khuôn mặt chị rạng rỡ, ánh mắt long lanh: ” Con chị mấy nay cứ khóc đòi bánh trung thu, nhưng lấy đâu ra tiền mua cho nó. Cầm cái này về chắc nó mừng lắm”. Chị nở với tôi một nụ cười mà ước chi tôi có thể chụp lại khoảnh khắc ấy để nhớ mãi, niềm vui hạnh phúc rõ ràng đang hiện diện trên khuôn mặt ấy, có đôi phần lem luốc vỳ cuộc sống, nhưng nó rạng rỡ hơn rất nhìu bao ánh đèn cao áp ngoài kia. Và khi tôi đặt bánh vào đôi bàn tay run run của một bà lão bán vé số, bà móm mém : ” Cám ơn cháu tặng bà bánh nhưng cháu có thể dắt bà qua đường được không, xe đông bà sợ quá”. Tôi quàng tay qua đôi vai đã lọm khọm của bà, nắm chặt đôi bàn tay nhăn nheo dấu thời gian ấy, cảm giác như đang cạnh nội tôi vậy, mỗi khi về nội, nội vẫn hay nắm tay tôi như thế… Khéo cho cháu gọi bà là nội nhé, tuy trong giây phút thôi, nhưng cảm giác thật ấm cúng lắm nội ah. Chúc nội trung thu sức khỏe, cuộc sống vui vẻ và dễ dàng hơn… Chia tay với nội, lòng tôi không tránh khỏi những câu hỏi nội đã già yếu thế kia, sao không có con cháu đỡ đần, rồi tối nội sẽ về đâu, sẽ ăn gì, sẽ có chổ ngủ, sẽ được nghỉ ngơi hay là …
Đến cuối con đường, chúng tôi tạm dừng chân, đợi tập trung đội hình. Trên vỉa hè ngay cạnh, tôi đã thấy một anh trên tay với chiếc bánh trung thu và ăn ngấu nghiến. Không biết có lẽ đã bao mùa trăng rồi anh đã không còn nhớ hương vỵ của nó, hay anh chỉ ăn vội để lấp cái bụng đang đói meo. Dù thế nào đi nữa, nhìn anh như thế, sao ai không thương. Anh thì đang lấp đầy bụng đói, còn chúng tôi thì cũng đang được đong đầy yêu thương từ những khung cảnh rất gần gũi và chân thật như thế. Và cuộc hành trình lại bắt đầu, tôi lại bắt gặp nhiều hơn những hình ảnh rất đời thường nhưng hiếm khi chúng ta chạm mặt. Dừng lại nơi một cô bé đang đi bán vé số với mẹ, tôi nhẹ nhàng trao vào tay chị bánh trung thu và lồng đèn cho em với những lời chúc giản dị, nhưng họ lại cho tôi những khoảnh khắc hiếm hoi. Chị nói :” Mấy hôm nay nó cứ đòi mua lồng đèn, lúc nãy chị tính nhặt cái lồng đèn đó cho nó chơi, nhưng hư hết rồi… Con mau cảm ơn anh đi”. Chị vừa nói tay vừa chỉ qua cái lồng đèn hình con bướm đã rách bươm ai vứt trên vệ đường… Cô bé nhỏ xíu tay nhận nhanh chiếc lồng đèn hình ngôi sao, ánh mắt ngời sáng hơn cả sao trời ấy long lanh, rạng rỡ. Nhớ lại khi mình còn bé, tôi rất thích chơi rước đèn với mấy đứa đồng trang lứa rong xóm, nhưng tôi lúc nào cũng muốn mình phải có lồng đèn đẹp nhất, mẹ đã chiều tôi mua những chiếc lồng đèn hình con rồng, chiếc thuyền thiệt to rồi tôi cũng là đứa đầu tiên chuyển sang lồng đèn bin ngay khi có để bọn nó phải trố mắt nhìn. Giờ nghĩ lại, tôi phì cười mình ngày đó sao ngây ngô quá, lồng đèn ngôi sao thôi cũng đã đẹp lắm rồi nếu như nó được đốt bằng ngọn nến yêu thương, gần gũi và ấm áp. Thầm thương em bé tuổi thơ đã phải theo mẹ bươn chải kiếm sống, thương cho nỗi vất vả nhọc nhằn khi phải gồng gánh nuôi con của chị, tôi thấy nhớ mẹ và gia đình mình quá…
Một mùa trung thu như thế, quá ấm áp và vượt xa những chờ đợi của tôi. Tối nay tôi sẽ ngủ ngon với những khoảnh khắc, ánh mắt, nụ cười, bàn tay nơi khuất ánh đèn nhưng sáng chói tình thương ấy. Tôi đã thấy, có một tình yêu tuy không bỏng cháy, không ngào ngạt như tình yêu lứa đôi, nó rất nhẹ nhàng, thoang thoảng nhưng sẽ không bao giờ vơi cạn, đó là tình người, tình yêu thương đồng loại.
Sau cùng là muốn cám ơn anh Minh và mọi ngừi sau cuộc đi đầy ý nghĩa.
Trung thu của những người nghèo
Và của một bạn khác
Uhm theo sự sắp xếp của Minh đại ca thì mọi người sẽ chia nhau đón khách ở hai cánh: Những bạn nào đẹp trai, xinh gái. Xin nhắc lại những bạn đẹp và có tài (nói chung là tài sắc vẹn toàn) thì sẽ được hân hạnh đi “khách sộp” ở khu trung tâm Quận 1, Quận 4 và Quận 2. Còn những thành phần bất hảo còn lại tức là ít đẹp và ít tài hơn thì sẽ bị tống qua khu Bờ Kè kênh mương rạch gì gì đó mé Quận 3. Và tức nhiên bản thân mình cũng không ngạc nhiên lắm khi bị mọi người bắt buộc phải “đi khách” ở nhóm 1 (Tức là nhóm vừa có tài mà có sắc ấy!)
Khâu tiếp theo là Minh sẽ phân phát dụng cụ hành nghề cho mọi người, hắn lãnh đạo bên nhóm 2. Còn nhóm 1 thì nghe theo sự chỉ đạo của Return theo hướng Cầu Muối và Lottle Mart quận 7, quận 4 gì đó thẳng tiến…
Vì là người duyên dáng nhất nên có lẽ mình bị bóc-tem đầu tiên khi dừng ở chân cầu chờ một người bạn. Vị khách mở hàng cũng là vị khách mang cho mình ấn tượng nhiều nhất: Đó là một em bị khuyết tật (tật gì mình cũng không rành cách diễn tả nữa) em ngồi trên xe lăn được một chú nào đó đẩy đi bán vé số. Mình dừng xe trước mặt họ và lấy cái bánh to nhất, đẹp nhất (hình như là Kinh Đô 2 trứng, hí hí) trao cho em.
Cái cảm giác của mình lúc đó nó thế nào nhỉ? Mình nhìn vào đôi mắt ngỡ ngàng của em ấy, nhìn thấy sự bối rối của em khi nhận bánh (bản thân mình khi ấy cũng bối rối không kém, vì là lần đầu tiên làm chuyện ấy mà) em cố nói với mình điều gì đó nhưng mà vì em khuyết tật nên không nói được, mình hiểu rằng em đang rất khó khăn để cất lời. Sau khó em lấy tay vuốt tay mình, có lẽ đó là lời cảm ơn. Một bạn khác đến đưa cho em chiếc đồng đèn xếp làm sự bất ngờ của em dường như tăng lên nhiều lần. Mặc dù đã xe đã lăn bánh xa chúng tôi rồi những em vẫn xoay trở trên xe một cách khó khăn, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi, tay em vẫy vẫy như muốn nói điều gì đó. Còn tôi, bản thân tôi cũng thầm cảm ơn em vì chính em vừa ban cho tôi một điều kỳ diệu. Em cho tôi cảm giác được rằng mình vừa thật vĩ đại (hí hí cho em làm Tazan đu dây điện một tí, mà cảm giác lúc ấy thực sự là như thế!)
…
Người tiếp theo tôi gặp là một chú đang nằm lất lưỡng trên cầu, bên một ít vải cũ làm nệm lót, hình như chú ấy đang lim dim… tôi dừng xe lại và lễ phép biếu chú một cái bánh kèm theo lời chúc một Trung Thu an lành. Lại một ánh mắt thật nhiều ý nghĩa, tôi thấy rõ ràng tay chú ấy run lên khi nhận chiếc bánh từ tôi. Tôi lại cảm thấy mình giống như một ông Bụt vậy. Hí hí nhìn kỹ cũng giống lắm chứ bộ!
Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng nhiều xúc động như vậy. Khách làng chơi thì cũng có người này người nọ, trong lúc dừng xe trên cầu thì có bốn cô bé ăn mặc có vẻ cũng khá bụi bặm sau khi thấy chúng tôi tặng bánh cho em bé ngồi trên xe lăn bèn xúm tới… bóc lột. Tôi chưa kịp phản ứng thì tay chúng đã móc vào trong bịch lấy ra hai cái. Một cái nó bỏ túi, một cái nó đưa cho đứa kia. Tôi chưa kịp hoàn hồn bịt bịch bánh lại thì một cô bé khác… hic hic trên tai có tới mấy cái khoen dù rằng mới có chút xíu (áng chừng 8 tuổi) bóc ra thêm cái nữa với giọng điệu van xin:
– Chú ơi cho con nữa, con chưa có nè… con chưa biết bánh Trung Thu là gì hết đó chú ơi!
Tức mình ghê đành phải nuốt nước bọt im re và xua chúng đi chứ biết sao bây giờ. Phải chi kêu tao là anh thì tao cho tụi bây… mười cái luôn chứ đâu phải chỉ có một cái! (Mình già lắm hả trời!) Để tránh tình trạng bị cướp trắng trợn như thế nên đoàn chúng tôi nhanh chóng lên đường tiếp tục hành trình.
Tiếp theo sau đó là rất nhiều nhiều… người mà mình đã dừng xe lại và tặng bánh trong đó đa số là các bác lớn tuổi bán vé số, ánh mắt, cử chỉ của từng người nhìn mình lúc ấy luôn tạo cho mình một cảm giác hết sức khác lạ, không ai giống như ai nói chung tất cả điều rất vui và bất ngờ với món quà tặng này. Và người vui nhất chắc chắn chính là bản thân mình.
Quên sao được hình ảnh hai em bé trai còn nhỏ xíu phụ một người mẹ tảo tần đang đẩy một chiếc xe ve chai đến từng bịch rác và tìm kiếm món gì có thể lấy đem bán được. Mình ngoắc tay đưa cái bánh cho đứa em, người mẹ mỉm cười nhìn mình, còn đứa anh thì nuốt nước bọt la em :
– Còn không biết cảm ơn chú nữa hả mậy ?
Lúc ấy mình cũng rất bối rối nhìn theo ba mẹ con đang đi xa dần…. tự nhiên tới lúc đó lại trách bản thân mình thậm tệ là tại sao lại keo kiệt không đưa thêm cho thằng anh một cái bánh nữa. Lại một đứa kêu mình bằng chú !
…
Trong đó có cả chuyện… đụng hàng nữa : Đang dáo dát, lượn lờ liếc ngang, ngó dọc tìm khách thì ập vào mắt mình là mấy mẹ con người dân tộc đen thủi đen thui, cầm cái ca nhựa quơ quơ trước dòng người vô tình đang hối hả chạy lướt qua. Mình mừng rỡ nhào xe qua ngay và cứ thế mà diễn :
– Cô ơi, con biếu em bé cái bánh Trung Thu ăn lấy thảo ạh !
Mắt tôi liếc quanh thì thấy bên cạnh thằng bé là một cái đèn trung thu của nhóm, chết rồi, vậy là có người tặng rồi. Người mẹ khẳng định nghi ngờ của tôi bằng cách móc một cái bánh ra dí trước mặt tôi, lắc đầu. Hình như họ không hiểu tiếng Việt. Sau đó cô ta chỉ tay về hướng một đứa bé khác đang xin tiền trong cây xăng ra hiệu tôi hãy tặng đứa bé đó, nó chưa có.
…Những cụ ông, cụ bà tóc bạc trắng có người thậm chí bị tật ở chân nữa ai nhận bánh của tôi cũng vỗ lên vai tôi mấy cái hết lời cảm ơn. Nếu được dịp sống trong cái cảm giác bổng nhiên thấy việc làm cỏn con của mình trở nên lớn lao thì bạn sẽ cảm nhận được thêm một định nghĩa nữa của hai từ : « hạnh phúc ».
…Khi đi có khoe và hứa với hai đứa em ở nhà là :
– Anh Hai đi phát bánh Trung Thu cho trẻ em đường phố nè, để coi một chút có dư không anh Hai « ăn cắp » về cho hai đứa một cái.
Thế mà trên đường về mình « biển thủ » được tới 03 cái lận nha ! Đang hăm hở tưởng tượng ánh mắt mừng rỡ của hai đứa em ở nhà như thế nào thì ặp vào mắt mình là ba bà cháu : một bà, một mẹ, một cháu đang lum khum nhặt những bịch nylon đang vương vãi khắp nơi cạnh siêu thị CoopMart NĐC cho vào bao. Mình dừng xe lại ngắc tay đứa cháu gái và không ngần ngại đưa nó một cái bánh. Mẹ nó bảo :
– Cảm ơn chú đi con !
Hình ảnh đứa bé gái thẹn thùng im lặng nép vào chân mẹ mà tròn xoe đôi mắt nhìn mình đúng là khó phai thật. Tất nhiên sau đó mẹ và bà của bé cảm ơn tôi không dứt lời. Đi một khúc mới chợt nhớ ra… ủa bộ mình già lắm hay sao mà ai cũng kêu là « chú » vậy nè trời ! Hu hu hu !
Những tưởng sẽ còn hai cái làm vốn nhưng mà sự đời khó ngờ lắm. Mới tạm biệt ba bà cháu cái chát thì đập vào mắt tôi lại là một bà cụ khác lưng khòm rất nhiều, tay bà còn băng bột nữa chứ, trông thấy bà cầm cọc vé số đi đứng khó khăn quá tự nhiên nổi hứng tôi nhào tới đưa nốt số bánh còn lại cho bà luôn.
Chắc cú là sẽ được thở phào nhẹ nhõm yên thân chạy về nhà nhưng mà trên đoạn đường tôi đi còn nhiều, rất nhiều những cái bóng đen hoặc co ro ngồi thu mình trong góc tối, hoặc khệnh khạng di chuyển khó khăn góp nhặt từng chai nhựa nhỏ, hoặc bịch nylon cho vào bao… tự nhiên tôi cảm thấy xót xa và tức tối vì bản thân mình đã… không còn chiếc bánh nào nữa.
…Mười một giờ mà hai đứa em vẫn còn mở mắt thao tháo chờ tôi về. Thấy anh Hai đem nguyên một cái túi xách lớn về chúng mừng rỡ la lên. Mợ Tám tôi nói :
– Nó chờ con nãy giờ mà chưa chịu ngủ đó !
Tôi bối rối gãy đầu :
– Hết bánh rồi, mai anh Hai mua bù cho nha ! Còn bây giờ thì đi ngủ đi !
…Cuối cùng thì sao nhỉ ? Đầu tiên xin cảm ơn tất cả những nghĩa cử cao đẹp của các bạn… tài trợ Bánh và kinh phí để tôi có được chuyến đi hết sức thú vị này ! Mà ngược lại mấy mạnh thường quân cũng phải cảm ơn mình nhoa, (vì thực sự mọi người nhận bánh của mình cũng chỉ vì… nhan sắc của mình mà thôi 🙂 ) ). Xin cảm ơn sáng kiến của bác Minh Mèo đã cho tôi có cơ hội được cùng với «cộng đồng » của mình chứng minh với mọi người rằng chúng tôi thực sự là những người « có ý nghĩa ». Và cuối cùng là cảm ơn tất cả các bạn đi chung (dù là chưa biết tên, biết nick hết) đã cùng tôi tạo được một đêm Trung Thu thực sự ý nghĩa ít nhất là với một ai đó.
Xin cảm ơn các nhãn hàng Chocopie – Kinh Đô – Đồng Khánh (Song Long ĐK, Thanh Thanh ĐK, Sơn Long ĐK, Minh Đồng Khánh) đã giúp chúng tôi thực hiện tốt chương trình này dù rằng… phải bỏ tiền ra mua…. he he he!
Thay đổi lớn trong hành vi người tiêu dùng (NTD) Sự thay đổi lớn nhất…
Cuốn sách cơ bản, dễ hiểu, luận chứng thuyết phục nhập môn về Triết học…
Trong năm 2020 đã có 38 nền tảng công nghệ số được đánh dấu là…
Đến hẹn lại lên, #WeAreSocial lại công bố báo cáo mới nhất về tổng quan…
Ngày 3/10/2019, Google công bố bảng nghiên cứu thị trường cho nền Kinh tế Số…
Làn sóng start-up công nghệ toàn cầu đang nổi lên với những giá trị doanh…