Sáng đi ăn bún bên mụ Rớt, rồi lên Trà Đình uống trà … đạo . Lâu lâu mới có dịp thưởng thức trà Quan Thế Âm loại 1 gì đó rất thơm, 100.000đ/bình. Phong cảnh mát mẻ, thoải mái. 1 điều ngạc nhiên là ở Huế, người ta có thể để xe không cần khóa cổ ngoài đường và đi vào uống trà, café thoải mái trong mấy giờ liền mà không hề có người giữ và tất nhiên, xe vẫn còn nằm ở đó chứ không có mất đi đâu cả.
Quán bún mụ rớt trước giờ nổi tiếng là làm món chả cua rất ngon, mình chưa đi bao giờ, sáng nay có thằng ku bạn nó chở vào ăn thử xem sao. Đi vòng vòng trong thành rồi vào Nguyễn Chí Diểu, chạy gần hết đường, cũng gần tới ngã 3 Xuân 68, thì thấy 1 căn nhà ọp ẹp nhưng xe đậu rất đông phía trước, chủ yếu là xe tay ga và một vài chiếc xe hơi. Hic, dừng xe ngay chỗ đó, tắt máy rồi đi vào quán. Nói là quán chứ thực ra là một cái chòi thì đúng hơn, khoảng chừng 25m2 nhưng mà đông kinh khủng. Những cái bàn nhựa thấp thấp được sắp xếp một cách không thứ tự, ghế nhỏ nhỏ vuông vuông được sắp xếp một cách lung tung, và hình như không còn bàn nào trống, không còn ghế nào dư, một vài khách vào trước đang đứng ngơ ngác để tìm cho mình một chỗ trống hay chỉ là một cái ghế để ngồi.
Tiếng gọi nhau í ới, tiếng la hét, gọi món kêu liên tục, “đợi xíu”, “đang múc” là những từ ngữ được nói nhiều nhất. Ở đâu đó vang lên một vài tiếng chửi thề vì khách đang ngồi, đứng dậy tới chỗ bán để đứng đợi lấy tô bún về ăn, khi quay về thì bị…mất ghế. Cứ thế, chuyện đứng dậy là mất ghế khiến thực khách quen rằng vào đây phải đi 2 người trở lên, để 1 người có đứng dậy thì người kia ngồi lại giữ ghế.
Đúng là ở Huế, ở đâu ngon là bà con chạy tới đông đúc. THực khách đông quá khiến cho người bán và người phục vụ mặc dù rất dodong nhưng vẫn phục vụ không kịp, khách đợi lâu quá nên phải chạy tới tận nồi để đợi lấy luôn cho lẹ. Mặc dù vậy, quán ở Huế không giống ở Hà Nội là người bán hách dịch mà người bán rất nhiệt tình và…tội nghiệp vì cứ phải kêu khách thông cảm do đông quá.
Ngồi kêu la một hồi cũng ra được tô bún cho mình ăn. Hic, đúng là cũng không bõ công ngồi chờ thiệt, bún ở đây đúng là ngon. Đặc biệt là chả cua, làm rất chất lượng, miếng chả cua vẫn còn nguyên thớ thịt của con cua, vẫn còn một ít gạch cua chưa tan, và vẫn còn một ít cái vỏ còn bị sót lại.
Nghe đồn rằng, quán bún này giá một tô bún là mắc nhất ở Huế với giá Tết là 12.000. Sở dĩ phải nói là giá Tết, vì ở Huế, thực phẩm Tết thường tăng giá, do gần như các họat động buôn bán ở Huế dịp Tết đều phải ngừng lại nên không có đủ thực phẩm bán tết. Do đó, giá cả thường tăng lên. Ví như năm ngoái, trước Tết, ngày 30 âm lịch đi ăn 1 tô bánh canh cá lóc giá khoảng 2000đ 1 tô, đến ngày mùng 2 là lên giá…3000. Khoảng từ ngày mùng 10 trở đi lại xuống còn 2000.
Sau khi ăn bún xong, lại rong ruổi lên Trà Đình. Cách Huế chừng 12km, Trà Đình nằm tren đường lên lăng Tự Đức, Minh Mạng. Con đường đi lên đã ra khỏi Huế, nên hơi vắng một chút, nhưng vẫn có nhiều xe du lịch đi lên thăm các lăng trên đó. Trước cửa Trà Đình vẫn có vài chiếc xe máy, và một chiếc ôtô. Khung cảnh trước Trà Đình rất yên ắng, không hề có ai coi xe. Dừng xe xuống, khóa cổ lại, mặc dù hơi run nhưng được đứa bạn động viên, “Ở Huế rứa đó, vứt xe ngòai đường cũng không ai lấy mô mà sợ” mới gan dạ khóa cổ lại rồi bước vào. Khung cảnh ở đây hơi yên ắng, có phần nào giống như một cái phủ cho quan thì hơn, 2 bên được bố trí phong thủy, cây cối rất đẹp, kiểu một phần giống nhà vườn HUế, một phần nhìn giống như kiểu nhà sàn ở Tây Nguyên, nhưng thoáng hơn.
Ngồi relax chút rồi về đi coi mấy cái hồ Thủy Sinh của mấy người bạn đứa bạn,
Về nghỉ trưa….