Khi lòng tốt bị lạm dụng

Bạn có bao giờ tự hỏi, lòng tốt và lòng tin của bạn vào 1 người nào đó bị lạm dụng và lợi dụng hay chưa? Khi bạn ra đường, bạn thấy những người ăn xin bé nhỏ, những em bé ăn xin khổ sở tội nghiệp, bạn sẽ lắc đầu khi đứa bé bẩn thỉu, áo quần rách rưới kia ngửa tay xin tiền?

Nếu đứng đợi đèn giao thông ở Bùng Binh Lăng Cha Cả, bạn sẽ bắt gặp “hàng đàn” các em bé nhìn nhơ nhuốc, đen xì vì nắng, áo quần rách rưới, đứa thì mũi còn chảy ra tèm lem cả mặt, đứa thì bồng em nhỏ xíu, đứa thì quỳ ngay trên cái miếng xi măng trồng cột đèn giao thông, và cứ mỗi khi đèn đỏ bật lên, hàng trăm chiếc xe máy dừng lại, cũng là lúc những em nhỏ này chạy ra xin tiền. Nhưng… hình như không ai cho. Con người ta … lạnh lùng, nhẫn tâm và keo kiệt đến thế sao?

Tôi vẫn thường hay đi đường Lữ Gia băng qua Tô Hiến Thành, và ngày ngày, tôi thấy một cụ già có vẻ như bị mù mắt, quỳ ở ngay vệ đường, đưa 2 tay cầm 1 cái nón ra xin tiền. Hôm thì cụ quỳ ở góc Lữ Gia, Lý Thường Kiệt; hôm thì quỳ ở góc Tô Hiến Thành và Lý Thường Kiệt. Mới đầu, cũng có vài người dừng lại cho tiền cụ. Đến giờ, thì hình như, chẳng còn ai cho cụ. Người ta  nhẫn tâm và ko còn tí nào lòng thương hại những người như vậy?

Cách đây một tháng, tôi vô tình đọc được một bài trên Blog về 1 cụ bà đã ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn phải đội nắng đội mưa để bán những phong kẹo chewing gum, bánh tráng ngay trước khu Triển lãm Hoàng Văn Thụ. Blog Entry đó đã thu hút được khá nhiều người, tạo được một dư luận khá tốt, và rất nhiều nhiều người, trong đó có tôi,  đã tới ủng hộ và cho tiền bà cụ. Có người cho cụ cả trăm nghìn, mua một thanh chewing gum với giá…50.000đ.

À, thì ra, con người ta vẫn còn lòng tốt, vẫn biết chia sẻ cho người khác, vẫn biết thương hại những người khốn khổ.

Tiếc thay rằng, chỉ sau 1 thời gian rất ngắn, những con người có lòng tốt đó, lại phát hiện ra rằng, lòng tốt của mình đã bị Lạm dụng.

Và họ trở nên cẩn thận hơn.

Những trường hợp trên, của các em bé kia, cả cụ già ở góc ngã tư Lữ Gia , Lý Thường Kiệt kia nữa, không phải là con người ta ko biết động lòng, mà người ta hiểu rằng, mặc dù thương chính những người đó, nhưng lòng thương hại người ta khi đặt vào những người đó, thì chính người đó cũng không được hưởng, mà đó chỉ là những chiêu bài để xin tiền, để lợi dụng lòng thương và lòng tốt của người khác. Và họ thấy rằng lòng tốt của họ đã bị lạm dụng.

Trong sáng nay, có vô tình đọc được một bài báo trên Tuổi trẻ viết về một chủ cửa hàng ở Settle, Mỹ, vào ngày Giáng Sinh, ông cho nhân viên cửa hàng nghỉ, và ông cũng vậy. Nhưng ông lại không muốn đóng cửa hàng. Và vì thế, ông vẫn mở cửa hàng, nhưng trong quầy tính tiền, ông có để một cái thùng, và gọi đó là Thùng Thành Thật. Bên cạnh, ông có viết một tờ giấy, đại ý rằng Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, ông cho nhân viên nghỉ, và ông cũng vậy. Do đó, nếu bạn cần thứ gì, thì cứ vào lấy và để tiền vào thùng Thành thật này đúng bằng giá tiền ghi trên món hàng. Và, ông quay lại lúc 4h hơn chiều để đóng cửa hàng, thì thấy trong thùng có khoảng gần 200$.

Nếu ở Việt Nam thì sao nhỉ? Có lẽ, nếu ở Việt Nam, cái cửa hàng sẽ…trống không và không còn 1 đồng xu nào trong cái Thùng Thành thật đó. Thậm chí, cái thùng đó cũng sẽ được …trưng dụng đem về nhà một ai đó để đựng nước chẳng hạn.

Tôi còn nhớ như in lúc tôi còn học Đại học. Do đi học trễ, tôi đã cố gắng đi thật nhanh từ bãi giữ xe để vào lớp học. Trên đường đi vào lớp học, có một giảng viên nào đó ở khoa khác, đi ngược chiều với tôi, trên tay cầm 1 mớ giấy tờ, sách vở… Đi về còn chừng 3 mét thì người giảng viên đó làm rớt hết xuống dưới mặt đất. Tôi tự viện lý do cho mình là đang cần vào gấp lớp học, nên cố gắng đi thật nhanh để lướt qua mà không ở lại giúp đỡ. Vừa bước qua người giảng viên đó được 3 bước, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Gương mặt tôi đỏ bừng lên vì xấu hổ. Tôi xấu hổ vì không giúp đỡ người khác trong khi mình có thể, chưa kể, đó là một người giảng viên trong trường. Nhưng vì … lỡ rồi, nên tôi cố gắng đi thẳng luôn. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ mỗi khi nghĩ tới chuyện đó. Vẫn hi vọng chuyện đó đừng để xảy ra lần nữa.

Nhưng, những lần sau, tôi vẫn thấy xấu hổ. Xấu hổ vì thấy rằng, nhiều người Việt Nam, đang làm mất dần hình ảnh một con người có văn hóa, có những ý thức cộng đồng, trong mắt chính con người Việt Nam và cả bạn bè thế giới. Hôm rồi, tôi có chat với 1 người bạn, đang ở Nhật Bản về cuộc sống của hắn. Chỉ có 1 điều, làm tôi lưu tâm, đó là việc người dân Nhật luôn cảm thấy người Việt Nam là một lớp người…hạ đẳng, thiếu một nền văn minh. Khi được hỏi vì sao, thì hắn nói rằng, người Nhật rất ấn tượng người Việt Nam sau lễ hội Hoa Anh Đào mà họ đã cất công mang từ Nhật Bản sang Việt Nam. Họ phản ứng và giận dữ khi thấy mức độ tham nhũng của người Việt Nam trong vụ PCI và không biết ngượng, còn đổ lỗi cho chính họ.

Buồn não lòng, tôi nghĩ, tôi chẳng bao giờ dám ngẩng đầu lên để nói rằng, nước tôi có hàng ngàn năm văn hiến…với chính những người Nhật. Vì đó là những sự thật được phơi bày, những sự thật không thể nào chối cãi được. Xây dựng hình ảnh không phải dễ dàng, nhưng để phá nó đi thì chỉ trong chốc lát.

Quay trở lại với lòng tốt của con người. Đã là người, ai cũng có những cái cảm xúc và những cái động lòng nhất định đối với những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng chính việc người Việt cứ lợi dụng những lòng tốt đó, để kiếm lợi cho bản thân một vài cá nhân nào đó không xứng đáng được hưởng, dần dần đã làm cho con người càng ngày càng cảnh giác hơn, đa nghi hơn và không mở lòng ra với mọi người hơn.

Cảm giác sợ bị lừa, sợ bị lợi dụng cứ tồn tại và ngày càng lớn lên khi chính chúng ta từng trải hơn. Và con người trở nên …tàn nhẫn hơn, vô tình và nhạt nhẽo hơn.

Vẫn hi vọng rằng Việt Nam sẽ văn minh hơn, con người sẽ có ý thức hơn về cộng đồng.

3 thoughts on “Khi lòng tốt bị lạm dụng

Để lại phản hồi