Điểm yếu bản thân: chấp nhận hoặc biến thành điểm mạnh

Con người ai cũng có những điểm yếu và điểm mạnh

Một trong những công việc mà nhiều người sắp đi làm hoặc đã đi làm thường hay làm là đánh giá lại bản thân của mình và nhận xét xem điểm yếu của mình là gì. Và sau đó là…để biết vậy thôi. Trong những lần tôi thực hiện cuộc phỏng vấn với các ứng viên khi nộp đơn vào cho 1 vị trí nào đó trong công ty, thì hơn 2/3 số bạn được hỏi điểm yếu của bạn là gì thì không biết điểm yếu của mình là gì hoặc chỉ là không giao tiếp tốt trong ngôn ngữ. Vậy 2/3 trong số hàng trăm ứng viên được hỏi này không lẽ không có điểm yếu nào (ngoài vấn đề tiếng Anh) hay họ chính không nhận ra điểm yếu của mình hay chính họ ngại nói ra điểm yếu của mình trước nhà tuyển dụng? Biết được điểm yếu của mình, nếu nó không thể khắc phục, hãy chấp nhận nó như việc chấp nhận bạn có một màu mắt nâu thay vì đen truyền thống của người Châu Á, hoặc nếu có thể khắc phục được, hãy biến nó thành điểm mạnh.

Làm sao để biết được yếu điểm của mình?

Khi tôi làm một seminar ở công ty cũ và ở trong một nhóm hoạt động cộng đồng cách đây vài năm về đề tài Inter-personal Communication Skills (tạm dịch là nâng cao kỹ năng giao tiếp nội tại), tôi có đưa ra một câu hỏi: “Điểm yếu của các bạn là gì? Các bạn có thể ghi lại vào tờ giấy trên bàn và gấp lại, sau 10′ nữa tôi sẽ thu lại. Không cần ghi tên nhé.” và tôi để ý tới một anh đồng nghiệp mà tôi đã từng hỏi ngay trong buổi phỏng vấn trước khi vào công ty. Sau đó tôi thu nhận lại các ý kiến từ các bạn, và thật sự ngạc nhiên khi biết được những điểm yếu liệt kê trong tờ giấy của anh chàng mà tôi đã phỏng vấn trước đây liệt kê tới được 4 điểm yếu trong khi trước đó, anh này không biết điểm yếu của mình.

Để trả lời câu hỏi làm sao biết được điểm yếu của mình thật sự không phải là chuyện dễ dàng cho bất kỳ một ai. Tất nhiên, cũng đã có những bài báo, sách hướng dẫn, xác định những điểm mạnh và yếu theo những phương pháp khác nhau. Và để biết được điểm yếu của bản thân, bạn phải đọc hàng tấn sách và phải bỏ ra thời gian để xác định được quy trình và xác định được điểm yếu của mình.

Một trong những phương pháp mà tôi đã sử dụng để khơi gợi ra những “điểm yếu” tiềm năng của các bạn khác chính là brainstorm theo nhóm, khi nhóm càng đông người thì bạn càng dễ dàng xác định được điểm yếu của mình chính xác hơn.

Vậy còn nếu bạn không có cơ hội tham gia những Workshop kiểu như vậy thì sao? Cách tốt nhất là bạn hãy hỏi những người mà bạn tin tưởng để nhận xét những điểm yếu của bạn, và ghi nhớ lại trên những tờ giấy mà bạn có thể sử dụng sau này. Còn một cách nữa là hãy đọc đến cuối bài này, và sẽ có sẵn một loạt các điểm yếu của một người thường có (và tôi cũng không hi vọng rằng bạn đánh dấu có vào tất cả :D)

Biến thành điểm mạnh nếu có thể

Ông bà ta thường bảo biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Cái quan trọng là bạn phải “biết ta” trước, và sau khi biết được những điểm yếu “của ta”, bạn phải biết cách khắc phục nó hoặc biến nó thành điểm mạnh, chứ nếu chỉ biết và…để đó thì cũng không có tác dụng gì.

Có một bạn trong buổi seminar mà tôi nói ở trên đã đứng lên nói rằng, điểm yếu của mình là “không thể nói trước công chúng, hay cụ thể hơn là không thể đứng làm bài trình bày (presentation) trước lớp, trước đám đông hay chỉ là trước nhóm làm việc trong công ty. Làm sao có thể biến nó thành điểm mạnh?“, một bạn khác cũng trong buổi workshop hỏi “Tính em rất tỉ mỉ và đi vào quá chi tiết, điều đó nhiều khi khiến em bị chậm trễ trong công việc được giao“. Bạn này thường làm 1 task nhiều hơn thời gian ước tính, vì bạn ấy cẩn thận kiểm tra đến từng chi tiết nhỏ xem đã hoàn thiện hay chưa, và cố gắng để khi đưa qua bên bộ phận tester thì gần như không có lỗi, vì vậy mà các task còn lại thường để bị trễ.

Con người ai cũng có những điểm yếu và điểm mạnh
Con người ai cũng có những điểm yếu và điểm mạnh

Vì gọi là điểm yếu, vì vậy nó phải có một mặt tiêu cực nào đó, đối với bản thân, công việc hay những người xung quanh. Tuy nhiên, không phải điểm yếu nào cũng thực sự là điểm yếu. Có những điểm yếu mà nếu bạn biết điều chỉnh thì nó lại là điểm mạnh. Ví dụ người bạn ở trên khi bảo là vì quá tỉ mỉ và chi tiết nên nhiều khi khiến công việc bị chậm trễ. Với điểm yếu này, rõ ràng, công việc của bạn ấy có thể bị kéo dài và dẫn đến trễ hạn, điều đó không tốt cho công ty và khách hàng, bù lại, sự tỉ mỉ và chi tiết của bạn ấy đã giúp cho chất lượng của sản phẩm đưa ra sẽ tốt và xảy ra ít lỗi hơn. Và sau một vài hoạt động cũng như câu hỏi, bạn ấy đã điều chỉnh lại mức độ tỉ mỉ của mình để tăng tốc độ làm việc và đạt kết quả hơn. Và sau này gặp lại, bạn ấy đã thay đổi rất nhiều bằng phương pháp xác định điểm yếu của mình (và của người khác), sau rồi tự thay đổi mà bạn ấy đã được tham khảo trong buổi seminar đó. Chỉ tiếc một điều là ngoài lần gặp ở buổi seminar và lần bạn gởi chat message trên Yahoo để cảm ơn, tôi không còn liên lạc với bạn ấy  sau nhiều năm.

Tất nhiên, để biến điểm yếu thành điểm mạnh không chỉ là cách thức thực hiện mà còn phụ thuộc vào thế giới quan của mỗi người và cách nhìn nhận điểm yếu như thế nào. Ví dụ, một điểm yếu thường hay gặp là quá nhút nhát khi đứng trước đám đông, nhưng nếu nhìn theo góc độ tích cực hơn, thì những người đó thường là những người lắng nghe một cách tích cực, vì đa số họ đều ngại nói và họ cảm thấy những người có khả năng nói trước đám đông là những người cần phải học hỏi, đôi khi khâm phục họ và thường họ là những người lắng nghe rất tốt.

Chấp nhận điểm yếu của bản thân để tiến tới

Nếu điểm yếu của bạn không thể biến thành điểm mạnh, chí ít là trong 1 lãnh vực nào đó, thì hãy chấp nhận nó như là 1 “phần tất yếu của cuộc sống”. Con người không hoàn hảo, và vì bạn là con người, nên bạn cũng sẽ không hoàn hảo. Khi biết điểm yếu của mình, cái vấn đề là bạn phải tìm cách bổ sung những điểm mạnh đó để hỗ trợ điểm yếu đó hoặc là để giảm bớt tác động của nó vào chính bạn.

Cách đây vài tuần, có một bạn hỏi tôi rằng một trong những điểm yếu của bạn ấy là việc giao tiếp và diễn đạt cực kỳ khó khăn, đặc biệt là chỗ đông người và bạn luôn cảm thấy tự tin về điều đó. Điều đó làm bạn ấy không dám tiếp cận với bất kỳ ai, rất ngại để làm những việc gì và từ từ trở nên thụ động trong cuộc sống hơn. Tôi có nói bạn ấy là nên bắt đầu khắc phục nó bằng những điểm mạnh của chính mình. Sau khi liệt kê các điểm mạnh của mình, tôi bắt đầu tìm những điểm mạnh mà có thể giúp bạn ấy tiếp cận những người khác và cảm thấy tự tin hơn, ví dụ ngoại ngữ chẳng hạn, và khuyên bạn ấy nên đi tham gia các Câu lạc bộ ngoại ngữ, lãnh vực mà bạn ấy cảm thấy tự tin nhất, sau đó từ từ sẽ giao tiếp tốt hơn trong nhóm và cuối cùng sẽ quen dần với việc giao tiếp.

Vấn đề quan trọng ở đây là cách nhìn nhận điểm yếu của mình theo hướng tích cực hay tiêu cực. Có nhiều bạn luôn có suy nghĩ rất tiêu cực trong cuộc sống và suy nghĩ luôn tiêu cực về chính những điểm yếu của mình. Điều đó khiến cho điểm yếu ngày càng trở nên trầm trọng hơn và như một tế bào ung thư, nó ảnh hưởng đến những điểm mạnh và làm mất dần những điểm mạnh. Chính vì vậy, quan điểm tích cực với bản thân cũng là những điều cực kỳ quan trong trong việc chấp nhận và phát triển nó.

Một số điểm yếu thông dụng

Dưới đây là một số điểm yếu mà tôi thường được nghe nhận xét khi hỏi về điểm yếu bản thân. Tất nhiên, nếu được hãy giúp tôi thêm vào danh sách này nhé.

– Yếu ở ngoại ngữ (nghe/nói/đọc/viết)

– Thiếu tự tin/Tự ti

– Giao tiếp không được tốt

– Nóng tính

– Tỉ mỉ trong công việc

– Chưa xác định được thứ tự ưu tiên công việc

– Kỹ năng trình bày yếu.

– Không nói trước đám đông được.

– Thụ động

– Ko tốt lắm trong nghiên cứu hoặc tiếp cận công nghệ mới

– Khó hòa nhập vào môi trường.

– Không thể làm over-time

– Thiếu kiên nhẫn

– Dễ tin người

– Sống/Hành động/Ra quyết định thiên về cảm tính

– Ít mối quan hệ xã hội

– Ít nói

– Ít cập nhật công nghệ

– Dễ chán công việc

– Nhút nhát/nhát gan

– Dễ đi lan man trong công việc

– Dễ xúc động/Dễ bị kích động

– Không kiên quyết/Chính kiến không rõ ràng

– Tò mò

– Tham công tiếc việc

– Nói nhiều/Hay tám chuyện với đồng nghiệp

– Sĩ diện/Đánh giá dựa trên bề ngoài

– Quá thẳng tính

….

Bạn hãy xem còn điểm yếu nào cần bổ sung không? Và bạn có bao nhiêu trong những danh sách trên?

2 thoughts on “Điểm yếu bản thân: chấp nhận hoặc biến thành điểm mạnh

  • Wow, big thumps up for this post! You already know why I’m so much interested in the subject. I appreciate the time we talked about it before, and this post also. Waiting for the coming up part!

  • cám ơn anh/chú/bác về bài viết này,sau khi đi tìm kiếm rất nhiều để tìm ra điểm yếu của mình và tìm cách trình bày nó thì em/cháu đã vô tình vào trang này và đc đọc bài viết này, quả là 1 bài viết hay và rất hữu ích.

Để lại phản hồi