Ơn nghĩa sinh thành

Sáng nay, vô tình đọc được 1 bài báo trên Tuổi trẻ, tôi bật khóc. Tiếng khóc không ra tiếng, chỉ biết nấc lên và chạy vào toilet để rửa mặt….

TT – “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, có phải ai cũng thuộc lòng câu ơn nghĩa sinh thành ấy? Có kẻ mới chập chững ra đời đã vội quên công cha trong dòng xoáy tiền tài, có người lam lũ suốt một đời nhưng vẫn tôn thờ hình bóng mẹ. Và có những người mẹ, người cha mãi mãi là bóng cả soi bóng mát cho đàn con đi xa.

Sư thầy Nguyên Pháp, trụ trì chùa Diệu Pháp (TP.HCM), kể có lần mái ấm chùa Diệu Pháp đón một cụ bà tứ cố vô thân do “những người hàng xóm” gửi vào. Đến khi bà qua đời, chùa tổ chức tang ma thì “những người hàng xóm” kéo đến chịu tang. Họ chính là con ruột của bà, họ gửi mẹ vào chùa để tiện tay bán chia căn nhà. Những trường hợp như vậy đâu phải ít.

“Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”

Ông M. cứ loay hoay trên chiếc giường nhỏ, xếp đi xếp lại ba bốn tấm hình, hình chứng minh nhân dân, hình chân dung người vợ quá cố đến khi mãn phần vẫn không được trở về ngôi nhà thân quen mà phải làm ma chay nhờ vào lòng từ thiện của bá tánh trong chùa. Ông nói mà giọng run run: “Vô đây ăn uống của chùa vậy mà ngon hơn bữa cơm ở nhà”.

Sinh năm 1923 ở Cái Bè (Tiền Giang), cuộc đời của ông M. ba chìm bảy nổi. Đi làm lơ xe, rồi lái xe, lái từ xe khách tới xe tải, làm riết thấy không khá, ông đưa vợ và ba đứa con lên Sài Gòn tá túc trong một mái hiên trên đường Đề Thám, hẻm 182. Có người giới thiệu ông vào làm cho UNICEF, làm nghề đào giếng tận miền Đông, Tây nguyên.

Hàng chục năm trời ông không dám nghỉ một ngày, để đến năm 1952 ông gom góp rồi mượn thêm tiền mua căn nhà trong hẻm. Thế nhưng khi có nhà rồi thì hai người con trai bị bắt quân dịch và đều chết trận, ông chỉ còn người con gái duy nhất và là đứa ông thương nhất. Người con gái lập gia đình có đến ba đứa con gái, đứa nào cũng được ông cho học hành đến đại học.

Ngày người con rể đi Mỹ, người con gái thưa với ông: “Ba nên làm thủ tục sang tên nhà cho mấy cháu, tụi nó có thời gian đi xin phép xây cất và sẽ xây nhà lầu cho ba má ở tới già cùng con cháu”. Ông vội vã đi lo thủ tục chuyển tên, rồi căn nhà lầu cũng nhanh chóng xây xong. Sau đó cô con gái lại đề nghị ông bán căn nhà. Ông hỏi con gái: “Bán nhà rồi cha mẹ già ở đâu con?”. Đứa con và đàn cháu bắt đầu trở mặt.

Rồi một ngày, cô con gái lấy ra 2.000 USD và nói lạnh lùng: “Phần của ba má đó, ba má không còn quyền gì trong nhà này”. Thì ra lúc xây nhà, ông đã làm giấy sang tên nên về pháp lý ông bà đâu còn quyền gì với căn nhà. Khi ông bà khăn gói ra đi, con cháu ông bán căn nhà, gửi lại hàng xóm 4 triệu đồng, nhắn rằng: “Chừng nào ổng bả chết lấy tiền đó mua hòm cho ổng bả giùm tụi này!”.

Ông đưa vợ qua Giồng Ông Tố thuê căn phòng nhỏ 4x6m giá 400.000đ/tháng. Bà bắt đầu trở bệnh, ông một mình đi chợ, nấu ăn, chăm sóc vợ bằng số tiền 2.000 USD “bán nhà”. Đến cuối năm 2004, mở bọc tiền ra coi chỉ còn 1,3 triệu đồng, cũng là lúc bà đau liệt giường, ông vừa khóc vừa đút cơm cho bà lần cuối, đặt ngay ngắn trên giường, viết lại một lá thư tuyệt mệnh nhờ những ai có lòng hảo tâm lo chôn cất giúp.

Nửa đêm ông uống hết 50 viên Paracetamol, 20 viên Malox và hai chai dầu xanh rồi nằm ngay ngắn dưới chân vợ mình. Nhưng số ông chưa tận, chủ nhà phát hiện đưa cả hai vợ chồng già đi cấp cứu. Nửa tháng sau, những người chòm xóm xưa đưa bà vào chùa làm đám tang, còn ông vào Trung tâm nuôi dưỡng người già Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM).

Image

Sao nỡ trách trời xanh?

Ông ngồi ở băng ghế đá, trầm ngâm trong những nếp nhăn tràn trên khóe mắt. Đó là một người già quá hiền lành và ít nói chuyện về mình, kể cả cái tên. Thôi thì gọi ông là ông Lâm vậy. Năm nay ông đã 74 tuổi. Ông sinh ở Huế, gần chợ Đông Ba, lớn lên tí tuổi đi ở đợ. 12 tuổi, ông theo người anh vào Sài Gòn, học nghề thợ máy rồi tham gia kháng chiến và đi tập kết.

Ông có vợ ở miền Bắc và sinh được sáu người con. Tất cả đều được một tay ông nuôi ăn học thành tài. Ngày giải phóng, ông vào lại Sài Gòn, là cán bộ, hưởng lương cao nhất công ty, lại được Nhà nước phân phối nhà mặt tiền, cuộc đời ông tưởng chừng có đoạn kết thật đẹp, vậy mà…

Con cái ông đều là những người có danh phận. Cha mẹ nào dù khiêm tốn nhất cũng muốn nhắc đến con cho nở mặt nở mày. Nhưng ông không còn muốn nhắc đến. Người con gái lớn là cán bộ công an cấp tá, người con kế là giảng viên đại học và những người sau đều là sĩ quan cấp tá, cấp úy, tệ lắm cũng là thư ký tòa án quận.

Ông không nói nhưng những nhân viên ở Trung tâm Thạnh Lộc cho biết chính những đứa con mà ông cưu mang, nuôi dưỡng ăn học thành tài từ Bắc vào Nam đã đưa ông vào đây. Ông thì bảo ông có lỗi lầm và mười năm qua là thời gian để ông chiêm nghiệm lỗi lầm đó, ông đáng bị trừng phạt. Nhưng với những người biết chuyện và hiểu ông thì “lỗi lầm” của ông là ly dị vợ, là có thời gian nát rượu, là không giữ lại được ngôi nhà mặt tiền mà Nhà nước cấp mà đổi căn hộ ở chung cư khi ông về hưu.

Tôi hỏi có bao giờ con cái lên thăm ông không. Ông Lâm bảo: “Có, có, nhưng tụi nó cũng bận rộn lắm chú à. Giờ tụi nó có cơ nghiệp hết rồi, để tụi nó làm ăn lo cho con cháu, mình thì chết cũng ổn rồi”. Hỏi về căn nhà chung cư, một trong những nguyên cớ mà con cháu giận đến mức phải đưa ông vào đây, ông bảo khi vào đây đã để lại cho người con gái làm thư ký tòa án, sau này cô sang lại cho người khác và mới đây người mua nhà cũng đến kiếm ông để làm thủ tục sang tên và ông ký ngay.

Hỏi về gốc gác của ông Lâm, những cán bộ trung tâm không rõ lắm, nhưng có lẽ ông đã từng là cán bộ cao cấp, thỉnh thoảng trung tâm lại nhận được thư mời họp hội cựu chiến binh hay công văn gì đó đề tên ông và địa chỉ trung tâm.

Ông Lâm cứ luôn trách mình có lỗi lầm với con cái nên con cháu giận mới đưa ông vào đây. Ông không dám trách ai nên cũng không dám trở về đoàn tụ gia đình trong những ngày tết dù đã hàng chục năm rồi. Nhiều người trong trung tâm nói họ không hiểu “sai lầm” của ông đối với con cháu nghiêm trọng đến mức nào, nhưng liệu có cao bằng đỉnh Thái Sơn, rộng bằng nước nguồn sinh thành cao cả. Đạo làm con sao nỡ trách trời xanh!

Đã nhiều năm rồi không ai vào thăm bà, để bà cô quạnh ở trung tâm. Đến ngày bà mất, tự dưng không hiểu từ đâu cả đàn con cháu cùng đến khóc lóc thảm thiết, xong “thủ tục” là đi liền.

Vậy mà trước đó bà cứ luôn nói rằng “chúng nó có đối xử tệ bạc với mình như thế nào thì cũng là con mình”.

Image

Bác sĩ Trần Thị Hải, phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (Hà Nội), cho biết trung tâm chỉ tiếp nhận những người già không có thân nhân. Do vậy tất cả những người già vào đây trong hồ sơ đều ghi không có con cái hoặc con cái đều đã chết, thất lạc… Nhưng sự thật lại là một thực tế đau lòng.

“Mẹ không bao giờ trách con”

Nhiều người Hà Nội vẫn chưa quên hình ảnh đau lòng khi một cụ bà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 xuất hiện trên truyền hình khóc nghẹn ngào kể về sự nhẫn tâm của con gái ruột của mình đã đoạt chiếm bán đứt căn nhà của cụ, rồi đuổi cụ ra khỏi nhà. Không nơi nương tựa, cụ phải vào trung tâm bảo trợ xã hội sống nốt đoạn đời ngắn ngủi còn lại. Bác sĩ Hải nói đó có lẽ là trường hợp duy nhất ở trung tâm có một người mẹ công khai thừa nhận việc bị con đối xử tệ bạc. Còn hầu như tất cả các cụ bao giờ cũng lặng thinh hoặc ngoảnh mặt đi khi có người hỏi thăm về chuyện con cái của mình.

Ngay cả cụ T. sau khi bức xúc phát biểu trên truyền hình về sự tàn nhẫn của con, khi có ai đến hỏi thăm về chuyện cũ, cụ đều lắc đầu bảo thôi đừng nhắc nữa. Chỉ có một lần, cụ T. thổ lộ với bác sĩ Hải rằng: “Tôi ân hận lắm cô ạ. Dẫu nó có đối xử với tôi tệ bạc như thế nào chăng nữa thì nó cũng là con của mình rứt ruột đẻ đau. Ông bà mình bảo hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con mà, nước mắt chảy xuôi cô ạ. Mình nói ra như vậy tôi sợ nó không còn mặt mũi nào nhìn mọi người xung quanh nữa, tôi ân hận lắm”. Và cụ T. đã không bao giờ nhắc lại câu chuyện đau lòng này cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Lúc sắp qua đời, cụ T. còn nắm chặt trong tay tấm ảnh đen trắng nhạt nhòa chụp hình cụ và cô con gái khi còn bé. Lời nói cuối cùng của cụ T. với các nhân viên là lời nhắn yêu thương dành cho đứa con bội bạc: “Mẹ thương con lắm, mẹ không trách gì con đâu”.

Ngồi ở một góc trong căn phòng tập thể, đôi mắt cụ bà T.T.Y. nhìn đăm đắm về một cõi xa xăm. Mấy năm nay, cụ vẫn tích cóp từng đồng lương hưu ít ỏi của mình và những món quà gom góp được của các nhà hảo tâm để gửi cho cậu con trai nghiện ngập ma túy. “Tội nghiệp nó ở ngoài đó không có ai chăm sóc, lo lắng. Tôi ở trong này xem như cũng ổn rồi, nhưng cứ nghĩ đến nó là lại không yên lòng”, cụ nói. Thỉnh thoảng có đoàn khách hảo tâm đến cho ít kẹo, mọi người lại thấy cụ không dám ăn mà lặng lẽ đi về phía góc giường, dấm dúi nhét ít kẹo vào bọc nilông dưới gối để dành cho con mình. Hằng tháng, anh con trai nghiện ngập lại tìm đến trung tâm. Sau khi nhận ít tiền, ít quà của cụ lại lặng lẽ ra đi, chẳng buồn hỏi thăm mẹ một lời.

Khi tiếp nhận cụ Y. vào trại, hồ sơ ghi gia cảnh cụ chỉ có vài dòng: “Con trai đang cai nghiện ma túy”. Nhưng nhiều người từng biết cụ Y. cho hay cụ còn có một người con gái nữa nhưng chưa từng thấy xuất hiện ở đây. Hỏi cụ Y. thì bao giờ cụ cũng ậm ờ qua chuyện, bảo rằng có một đứa con gái thật, nhưng “thôi, đừng nhắc làm gì. Nó không nuôi nổi mình cũng có nỗi khổ của nó. Trách nó làm gì”. Những người hàng xóm cũ của cụ Y. kể: chồng mất sớm, cụ Y. tần tảo buôn bán ở cửa hàng nhà nước để nuôi hai con. Lớn lên cả hai con chẳng làm lụng gì, chỉ biết đợi đến tháng lương của mẹ để xin tiền tiêu xài. Đến khi cụ về hưu thì cả hai con đồng lòng bán căn nhà và đưa mẹ vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Cả trung tâm ai cũng thương cụ Y.. Cứ mỗi khi lễ, tết có được một bữa ăn ngon, cụ Y. lại không ăn mà ngồi thẫn thờ nhớ con: “Ngày trước có thứ gì ngon tôi cũng nhường cho mấy đứa con cả, không biết bây giờ chúng còn được ăn ngon không”. Những người bạn già của cụ Y. cùng buông đũa và ai cũng trào nước mắt.

Image

“Phương án” của những đứa con

Một nhân viên lâu năm của Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 nói rằng anh cảm thấy buồn và ray rứt nhất khi dự đám tang của các cụ. Thường thì đám tang chỉ có nhân viên của trung tâm và những người bạn già tiễn đưa, ít thấy con cái vào đưa tang. Thế nhưng cũng có những đám tang đông người đến bất ngờ. Ôtô lớn, nhỏ ùn ùn dừng trước cổng trung tâm còn nhộn nhịp hơn cả đám tang ở dưới phố.

Những cụ vào đây thui thủi một mình cả chục năm không có một người thân nào đến thăm, vậy mà khi qua đời không hiểu từ đâu đàn con cháu cả chục người, gái trai, dâu rể cùng đến khóc lóc thảm thiết. Nhưng sau khi làm xong những “thủ tục” thì ra xe phóng đi thẳng. “Nhiều cụ khi mất tôi mới biết các cụ còn có con cái, cháu chắt bên ngoài, thậm chí nhiều người rất giàu có”, bác sĩ Hải tâm sự.

Cụ bà B. sống ở trung tâm rất lâu, hồ sơ cụ không cho biết còn con cái ngoài đời. Vậy mà khi cụ qua đời, cùng lúc cả bốn con trai con gái đi xe hơi riêng đến chịu tang và khóc than mẹ. Người nào cũng tỏ ra hối hận vì không được nhìn mẹ giây phút cuối, họ giành nhau xin phép trung tâm đưa mẹ về chôn cất. Nhưng sau khi xong phần an táng, cả đàn con đều quay trở lại trung tâm và hỏi rằng mẹ mình có để lại di chúc gì không. Khi biết bà cụ đột ngột nhắm mắt không trăng trối điều gì, cả đám con gây gổ với nhau rồi bỏ đi không một lời từ giã.

Nhiều nhân viên trung tâm cứ nhớ hoài câu chuyện trước đây từng có hai người đàn ông trung niên thuê xe ôm đưa một ông lão đau yếu đến trung tâm. Họ bảo rằng mình là người trong thôn thấy “ông già này không còn người thân, không ai chăm sóc” nên mủi lòng đưa ông đến trung tâm nhờ giúp đỡ. Mãi cho đến khi ông lão qua đời, hai người đàn ông kia mới xuất hiện trở lại thắp một nén nhang rồi bỏ đi. Một người họ hàng xa với ông cụ đến dự đám tang cho biết đó là hai người con trai ruột của cụ. Vì đùn đẩy trách nhiệm nuôi bố nên cuối cùng họ thống nhất “phương án” đưa bố vào trại dưỡng lão.

Image

Mới đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 tổ chức đám tang cho cụ bà N.T.A., 89 tuổi. Gần chục năm sống trong trung tâm, cụ A. đều cho biết mình góa bụa, không có con cái. Ngày chuẩn bị chôn cất cụ, có đôi nam nữ trông rất giàu có, sang trọng đến xin đưa tang. Mọi người hỏi thăm thì họ không nói gì, đến khi quan tài hạ huyệt chợt người đàn ông bật khóc: “Mẹ ơi, hai anh em con có tội lớn với mẹ lắm. Chúng con đã không lo lắng, nuôi dưỡng mẹ những ngày cuối đời. Chỉ vì nghe lời chồng, lời vợ mà đuổi mẹ ra đường. Chúng con là những đứa con bất hiếu”.

Những giọt nước mắt đã quá muộn màng.

Báo Tuổi Trẻ

11 thoughts on “Ơn nghĩa sinh thành

Để lại phản hồi