Khác với các món đặc sản khác, thường được gắn tên địa phương vào món ăn ví như Bún chả cá Nha Trang, hay rõ hơn thì Bún cá chợ Đầm, Mì Quảng (Nam), Phở Hà Nội, Bún bò Huế… thì cafe gần như là một thức uốc khá phổ biến ở trên toàn thế giới và có lẽ, nó cũng từ nước ngoài, nên người ta chưa có gán cafe như là một đặc sản của một vùng nào. Thế còn cafe Buôn Mê Thuột? Vâng, cafe ở đó trồng nổi tiếng ở Việt Nam nhưng cafe, ngay cả chính tên gọi của nó, cũng không phải bắt nguồn từ Buôn Mê Thuột.
Mặc dù vậy, khi vào Việt Nam, thì mỗi nơi lại có cách thưởng thức và pha chế khác nhau và vì vậy nó lại mang đến những hương vị và cảm giác khác nhau mỗi khi bạn nhắm vào vị cafe đắng mà đầy quyến rũ này.
Ở Sài Gòn, cafe được pha phin trong 1 ly nhỏ và kèm theo 1 ly cao và dài đầy đá viên nhỏ, loại đá mà người ta cho rằng và gọi là đá tinh khiết, kèm theo 1 cái muỗng được chúc ngược đầu vào ly kèm theo 1 gói đường hoặc 1 hộp đường trắng nhỏ bên cạnh. Sau khi “pha chế”, bạn có ngay 1 ly cafe Sài Gòn đầy và có thể thưởng thức.
Cafe Sài Gòn dễ uống, phù hợp cho các bạn không uống được cà phê đậm. Với riêng tôi, cafe Sài Gòn hơi nhạt vị và giống như một thứ nước giải khát hơn và thật nhiều để người uống có thể ngồi lâu và ngồi tám chuyện, hay chỉ là cái cớ để mọi người gặp nhau.
May mắn là tôi cũng đã được dịp thưởng thức cafe Hà Nội, nơi người ta gọi là Đen đá cho cafe đen đá, và Nâu đá cho cafe Sữa đá. Cafe Hà Nội thì hơi đắng, có lẽ, tôi thích vị đắng của cafe và chủ quán không biết phải hiểu ý khách không hay là một thói quen của người Hà Nội, cho đường hoặc sữa rất ít, đủ để làm say những người có vấn đề ở tuần hoàn máu. Một điểm chung cafe ở Hà Nội và Sài Gòn là đều sử dụng viên đá nhỏ để uống.
Nếu bạn đã tới Huế một lần, bạn sẽ thấy cách uống cafe ở Huế sẽ khác hẳn so với ở Hà Nội và Sài Gòn. Ở Huế, ly cafe thường nhỏ, pha phin chứ hiếm chỗ nào pha sẵn, thậm chí cafe ở vỉa hè. Và thường, lượng cafe rất ít, nhưng đặc quánh, thơm hơn nhiều so với những ly cafe ở Sài Gòn và Hà Nội. Nếu uống cafe sữa, thì một lượng sữa bằng vừa đủ với lượng cafe chảy xuống từ phin cũng sẽ làm cho vị cafe không quá ngọt và không quá đắng.
Ở Huế, người ta tới uống cafe chủ yếu là tám dóc, mà còn ngồi để thưởng thức vị cafe, trong tiếng nhạc dịu dàng. Một điểm khác lạ, là ở cafe ở Huế lại sử dụng viên đá rất lớn, và người ta thường bỏ vào 1-2 viên là đủ uống. Ngoài ra, một điều nữa sẽ làm bạc ngạc nhiên cực kỳ đó là cafe ở Huế rất rất rẻ.
Nếu một ly cafe bằng nhựa như nước lã màu đen có đá giá 5000đ ở cafe bệt ở công viên trước dinh Thống Nhất, hay 1 ly cafe ở vỉa hè hồ Hale ở Hà Nội với giá 14.000đ, thì ở Huế, chỉ với giá từ 3000đ cho 1 ly cafe thơm ngon ở vỉa hè đường Trương Định hay cao lắm là 12.000đ với 1 quán cafe sân vườn mà ở Sài Gòn không thể dưới giá 30.000đ/ly vào buổi tối. Cafe cũng như đồ ăn ở Huế, giá thực sự rẻ để người dân vốn có thu nhập thấp ở đây có thể chịu đựng và mang đến sự ngạc nhiên cho du khách đến Huế.
Người Huế có thói quen uống cafe từ rất sáng sớm, nên bạn đừng ngạc nhiên nếu như ngủ dậy trễ một chút là một số quán cafe vắng khách nhé. Trong đợt ra Huế này, tôi có dịp được bạn bè dẫn đi uống cafe ở 3 nơi, mỗi nơi một phong cách rất hay. Một vỉa hè, một ở quán sân vườn mới mở và một ở quán khu khá Tây.
Tôi sống ở Huế khá lâu, đi đi về về cũng khá nhiều, nhưng chưa bao giờ trước đây, tôi ngồi uống cafe vỉa hè đường Trương Định cho đến khi được cô bạn thân nhất của tôi dẫn đi. Ở đây, nếu bạn đi vào sáng sớm, thì cả vỉa hè sẽ rực đỏ bởi ghế và ghế, thật tiếc, là tôi chưa có dịp để chụp đc hình ảnh đấy ở đây. Nhưng rất ấn tượng. Mỗi vị khách ngồi đó, sẽ được chủ quán cung cấp cho 2 cái ghế nhựa bé, một để ngồi và một để để ly cafe và ly nước. Khi được gọi thanh toán tiền, tôi thực sự bất ngờ với giá tiền của ly cafe, chỉ 3.000đ-4.000đ cho 1 ly cafe, tùy vào có sữa hay không. Với vị trí “đẹp” như vậy, trong đầu tôi cũng nghĩ ít nhất là 8.000-10.000đ/ly.
Ngày hôm sau, tôi được một người bạn khác dắt vào 1 quán cafe trong một con hẻm…toàn khách sạn cho tây ba lô. Quán có không gian khá ấm cúng và hơi nửa Việt nửa ta. Không gian vừa đủ ấm cúng, một nửa bàn dạng ngồi ghế và một nửa số bàn được xếp trên các tấm chiếu. Tôi chọn ngồi bàn trên bục chiếu vì thấy để chân khá thoải mái. Một điểm đặc biệt của quán, đó là trong quán chi chít là chữ, những “dấu vết” của những vị khách của quán.
Hai mặt tường của quán được làm bởi các viên gạch được nhô ra khỏi bức tường phẳng lỳ. Có lẽ, do chủ đích của quán, nên toàn bộ các bức tường và cả trần nhà được sơn màu trắng, kể các viên gạch, vốn dĩ màu đỏ tươi của than còn nóng. Tôi thấy xung quanh, rất nhiều chữ của các cô cậu học trò lớp cuối cấp kéo tới đây để ôn lại những kỷ niệm trước khi rời trường, ở trên trần nhà là một vài chữ để lại của một cặp người nước ngoài đến từ Isarel tinh nghịch, hay những cu cậu đang yêu nhau tuổi học trò. Nhìn thật đáng yêu.
Cafe ở mỗi nơi đều có những cái hay riêng, nét riêng. Với tôi, tôi vẫn thích cách thưởng thức cafe và phong cách cafe của Huế, nhẹ nhàng, rẻ và …vừa miệng. Nếu tới Huế, đừng bỏ qua những nét văn hóa thú vị này