Ngôi trường Nguyễn Huệ chỉ gắn bó với hắn 3 năm cuối cùng của thời học sinh, nhưng nơi đó, từng con đường quanh nó lại mang những kỷ niệm không thể quên được với hắn. Nơi đó, hắn có mối tình đầu đơn phương, nơi đó, hắn có những người bạn thân, và nơi đó, hắn đã có những bài học vô cùng bổ ích và niềm vui bất tận.. .
Sáng nay, tôi gắng đặt đồng hồ báo thức để dậy thật sớm mặc dù hôm qua thức tới khuya để viết cái Entry về Cafe Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng niềm đam mê ăn uống thôi thúc tôi không thể dậy trễ hơn, vì nếu dậy trễ hơn, cái món mà tôi muốn ăn mỗi lần ra Huế đều hụt trước đây, sẽ hụt lần nữa.
7h hơn sáng, ra khỏi nhà, vượt qua cây cầu sắt cũ kỹ, tôi từ từ đi vào con đường mà tôi vốn đi mỗi ngày trong vòng hơn 3 năm cách đây gần 10 năm. Mọi thứ xung quanh vẫn không thay đổi. Và người bán xôi cháo vẫn ngồi ngay cái vị trí đó, vẫn một người phụ nữ và một người đàn ông – mà có lẽ là chồng bà – khá lớn tuổi cùng ngồi bán.
Ở Sài Gòn, các quán xôi vỉa hè thì đơn thuần bán xôi, từ xôi ngọt, xôi mặn đến xôi cúc. Còn chỗ nào bán cháo thì sẽ thuần bán cháo. Nhưng ở Huế, vào mỗi buổi sáng, người ta thường gánh vừa xôi vừa cháo để bán, và cũng chỉ bán cháo gạo lức cùng với xôi nếp (không bán kèm xôi đậu…) và thường ăn chung với muối đậu phộng,
Tôi cũng thích ăn xôi và cháo vào buổi sáng, vừa chắc bụng, đặc biệt là ăn kèm với cá bống thể nhỏ được kho kỹ, miếng thịt cá cứng, hơi mặn mặn và ngọt ngọt ăn kèm với cháo gạo lức đầy bổ dưỡng hoặc xôi trắng mềm và nóng hổi.
Sáng nay ăn lại, cái vị gần cả chục năm vẫn không thay đổi và ông bà vẫn bán đắt như thường. Thường dọn ra bán từ tờ mờ sáng và hết sạch veo vào lúc 8h sáng, có lẽ vì ngon, làm sạch sẽ, luôn nóng hổi và giá khá rẻ, chỉ 5.000đ/phần ăn. Và vì bán hết khá sớm, nên đây là lần vào ăn mà còn lại kể từ khi tôi không còn đi ngang để học vào những buổi sáng trong trường.
Ăn hết 2 phần, 1 dĩa xôi và 1 tô cháo, khá no nê, tôi ngẩng đầu nhìn thấy địa chỉ 150 Đinh Tiên Hoàng, một con số dễ nhớ cho việc giới thiệu với bạn bè tôi mỗi khi ra Huế.