Cách đây 3 năm, tôi không hề biết Facebook là gì. Tôi chắc nhiều bạn ở Việt Nam cũng thế. Lúc đó, không những chỉ ở Việt Nam, Yahoo 360 gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trong cộng đồng mạng xã hội ảo, người người làm blog, người người viết blog. Yahoo 360 mặc dù ở chế độ Beta nhưng cũng chẳng ai nghĩ nó sẽ bị đóng cửa trong một ngày ở tương lai rất gần. Giao diện thân thiện và đơn giảm, dễ sử dụng, tích hợp với Yahoo Messenger và quan trọng là các dịch vụ của Yahoo như Mail và YM được sử dụng gần như độc tôn ở thị trường Việt Nam.
Là dân IT, tôi cũng được cập nhật chút công nghệ về mạng, về tình hình và tin tức trên thế giới cũng như sự phát triển của mạng Internet và các trang web, lần đầu được nghe tới Facebook, nghe tới Twitter, cũng thử “xí” chỗ cho mình 1 tài khoản ở những trang này. Một thời gian sau đó tôi vẫn không thể thấy được những cái mà Facebook và Twitter được quảng cáo đó là tình mở rộng và tính kết nối cao. Đơn giản, tôi chẳng có nhiều kết nối và bạn bè để có thể kết nối, mà đúng hơn là chỉ có lèo tèo một vài người bạn ở nước ngoài có sử dụng, còn lúc đó, mấy ai ở Việt Nam nghe hay biết gì về mạng Xã hội này.
Cái thời điểm mà Yahoo 360 ra đi là một bước ngoặc cho cộng đồng mạng Việt Nam, nhiều người chuyển sang Facebook, Zing Me và một số mạng Xã hội khác lập tức “kiếm cơm” từ việc này. Thời điểm đó, Facebook như là ứng cử viên số một cho sự dịch chuyển người dùng từ Yahoo 360 sang, nó đơn giản và dễ sử dụng. Vào thời điểm đó, tôi mới nhận ra sức mạnh thật sự của Facebook và sau đó là Twitter. Sức mạnh của Facebook được tạo nên bởi tính kết nối cực mạnh, sự “thông minh” của Facebook quả thật đã giúp tôi tìm lại được rất nhiều người bạn mà đã mất liên lạc rất lâu, kết nối tôi và chính những người bạn cùng lớp mà vốn trước đây chúng tôi cũng chẳng chơi với nhau.
Một sự kết nối tuyệt vời.
Mọi thứ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn bao giờ hết. Mỗi ngày vào Facebook, tôi lại cảm thấy mình như đang rất gần với những người bạn. Hàng trăm tin tức, tình hình bạn bè được liên tục cập nhật mà ở đó, người ta gọi là dòng thông tin, một cách ví von với dòng nước chảy tuôn trào và liên tục.
Mọi người đều bị Facebook cuốn đi như cơn gió lốc. Chưa bao giờ, Facebook được nhắc đến nhiều như vậy ở Việt Nam, chưa bao giờ các website lập ra vì Facebook, buôn bán trên Facebook và làm các dịch vụ trên Facebook nhiều như vậy. Chưa một mạng xã hội nào có thể làm mưa làm gió và tốn bao nhiêu bút mực, thời gian gõ phím của báo chí chuyên và không chuyên của Việt Nam như vậy.
Cuộc sống trên Facebook đang tươi đẹp, cập nhật tin tức từ bạn bè, giải trí, chơi game… cứ tiếp diễn cho đến một ngày, đồng loạt các ISP ở Việt Nam “bỗng dưng” muốn chặn Facebook và đùng một cái, dân tình không thể truy xuất được vào Facebook. Người ta đưa lên nhiều tin đồn về việc chặn Facebook. Người thì bảo rằng nhà nước mình kêu chặn, người thì bảo rằng VinaGame ký hợp đồng kêu chặn để họ phát triển Zing Me, mà thực chất là một thứ ăn cắp một cách lố bịch từ Facebook. Mặc dù vậy, nhiều biện pháp “vượt rào” của cư dân mạng cũng không làm khó khăn nhiều lắm cho các Facebook-er. Mọi người vẫn “sinh hoạt” đều đặn trên Facebook, hàng nghìn tin tức và thông tin vẫn tuồn ra mỗi ngày.
Khi bắt đầu làm quen với Facebook, làm việc với cái gọi là Mạng Xã Hội (SNS), tôi có viết 1 bài trên Blog 360 (mà giờ không còn nữa) rằng mạng xã hội chỉ là một trào lưu trong một thời gian ngắn và sẽ bão hòa khoảng 3-5 năm nữa, tức là khoảng năm 2010 và 2011. Lúc đó người ta sẽ ít quan tâm hơn vào các mạng xã hội, mà quan tâm vào một hình thái kết nối khác trên Internet, sự phân tích dựa vào quy luật phát triển của Internet cũng như biểu đồ sự phát triển.
Và tôi nghĩ, tôi đã đúng, ít nhất một phần nào đó và với tôi.
Sau một thời gian nghiền Facebook, từ từ, tôi nhận ra rằng, Facebook khiến chính con người trong cư dân mạng này đang trở nên mỗi ngày một bận rộn một cách ảo, mọi người bắt đầu thiếu sự tôn trọng lẫn nhau vốn có, thiếu chiều sâu trong suy nghĩ, và quan trọng hơn hết là nó không cho ta một chút thời gian để suy nghĩ và nghĩ sâu về một vấn đề nào đó. Tất cả chỉ là những suy nghĩ đơn giản trong mấy trăm ký tự.
Tôi cố gắng ngồi viết từng bài viết trên Facebook, nhưng cái giao diện của ứng dụng Notes và cả những cái notification icon cứ liên tục chớp đỏ, khiến tôi không thể nào tập trung, và cảm xúc rất dễ mất. Tôi thử đóng Facebook và không vào với nó, tôi tập viết lại, tập tìm lại cảm xúc và tập nhìn một vấn đề đa chiều, sâu sắc hơn, tập chia sẻ những gì mình có được, lên mạng Internet. Tập lại từ đầu.
Và tôi nhận ra rằng, chính vì quá lạm dụng Facebook, tôi trở nên khô khan hơn, nông cạn và mất dần sự sâu sắc. Mất dần cảm xúc về thế giới xung quanh, mất dần cảm hứng về con người, và mất dần sự tôn trọng đáng có của những người khác dành cho tôi, cũng như tôi dành cho mọi người.
Và bây giờ, tôi đang cố gắng để chỉ xem Facebook như là một phương tiện để giữ liên lạc với bạn bè. Không hơn không kém.
Facebook, đơn giản như cái tiêu chí của nó, giúp mọi người kết nối và chia sẻ, trên toàn thế giới.
Mọi sự tưởng chừng suôn sẻ và đến tới đó, thì một loạt bài báo giới thiệu về một SNS của Việt Nam do chính phủ bỏ tiền ra để làm với mục đích trở thành …đối thủ cạnh tranh của Facebook tại Việt Nam. Mặc dù tự hào là sản phẩm Việt, nhưng ngay cái tên và cách thức làm đều là…tiếng nước ngoài. Bỏ qua về vấn đề ngôn ngữ, tôi cũng tự hào khi nghe rằng chính phủ cũng quan tâm tới mạng xã hội.
Tuy nhiên, sau đó tôi lại thất vọng não nề về chính cách làm của những người đang quản lý cái SNS mà tự hào là sản phẩm Việt này lại sử dụng những chiêu thức cạnh tranh và quảng bá vô cùng “bẩn”. Người đại diện cho mạng này thậm chí lên báo và chê bai Facebook, chê bai các sản phẩm của nước ngoài. Tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi một SNS lại có cách làm cạnh tranh không lành mạnh vậy. Người Việt bảo rằng “hữu xạ tự thiên hương”, một sản phẩm thậm chí chưa ra đời, chưa được người dùng đánh giá mà đã tự hào chê bai một sản phẩm của người khác như vậy, và cái quan trọng hơn là việc chê bai một cách rất là … ngu xuẩn và ấu trĩ.
Anh ra lệnh rằng người dùng Việt Nam hãy quên đi Facebook và nghĩ đến SNS của tôi, và đó là “lời khuyên” ngu xuẩn nhất từ trước đến giờ của một chủ quản một website sống dựa vào người sử dụng. “Trong khi Facebook hiện nay được sử dụng chủ yếu với mục đích giải trí thì Go.vn lại có thêm cổng giáo dục trực tuyến, đó là cơ sở rất quan trọng để đưa Go.vn trở thành mạng xã hội số 1 nước ta”. Vấn đề là tôi sử dụng Facebook để giải trí và để kết nối bạn bè, tôi không có nhu cầu vào 1 SNS để học về lịch sử, để học về các vấn đề liên quan tới xã hội hay để được giáo dục rằng không được xả rác ra ngoài hè phố hay tìm cách giải một bài toán phương trình bậc 2. Nếu tôi cần tới một cổng thông tin để giáo dục, có lẽ tôi nên vào các site chuyên về học thuật và diễn đàn trao đổi kinh nghiệm mới có hiệu quả.
Sự cạnh tranh trên “mặt trận” báo chí chưa đủ mạnh và càng làm cho VTC trở thành đề tài chế diễu trên các site cộng đồng mạng thì một bước nữa là chặn người dùng Việt Nam vào các mạng nước ngoài như Facebook, mà tôi dám chắc rằng, “SNS của VN” sẽ không bao giờ là một mạng thành công, ít nhất với những người như tôi, những người có ý thức về sự cạnh tranh lành mạnh.
Việt Nam nhảy vào tham gia SNS khi thời kỳ SNS không còn là trào lưu và đang đi xuống và đang cố gắng vực dậy một trào lưu SNS ở Việt Nam bằng những kiểu cách ép buộc và cạnh tranh không lành mạnh. Những hành động đó, tôi tự nghĩ tôi có đáng tự hào để khoe với những đồng nghiệp nước ngoài của tôi, để khoe với bạn bè khắp nơi trên thế giới của tôi… về một mạng xã hội do chính những nhà phát triển Việt Nam xây dựng nên?
Trong thế giới phẳng này, sự cạnh tranh rất gay gắt, ở đó, người ta không còn phân biệt về khoảng cách địa lý, một sản phẩm của ai hay của nước nào, đơn giản là nó phù hợp với nhu cầu của người dùng, người dùng sẽ tự động tham gia vào. Mặc dù cạnh tranh gay gắt, nhưng bất kỳ sự liều lĩnh hay gian lận hoặc các hành động cạnh tranh không lành mạnh nào, cũng sẽ lan tỏa đến mức chóng mặt, và nếu như không biết dừng đúng lúc, chính điều đó sẽ làm phá vỡ hết công sức của chính mình.